Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng (bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống), cửa hàng tiện lợi/cửa hàng tiện ích (gọi chung là khu dịch vụ).
Theo đó, Hướng dẫn nêu rõ trách nhiệm cũng như các quy định cụ thể đối với đơn vị quản lý khu dịch vụ; đối với hộ kinh doanh/gian hàng trong khu dịch vụ; đối với người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng và đối với khu dịch vụ có hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Trong đó, đối với người lao động/làm việc, người bán hàng và khách hàng không đến khu dịch vụ nếu có một trong các biểu hiện như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Người dân khi đến khu dịch vụ thực hiện khai báo y tế, luôn thực hiện thông điệp 5K, trong đó lưu ý đeo khẩu trang đúng cách và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định (nếu là loại khẩu trang dùng 1 lần), giữ khoảng cách tối thiểu với người xung quanh, hạn chế tiếp xúc với người khác; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc khăn giấy; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh; không khạc nhổ bừa bãi.
Cùng với đó, người dân cần thông báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại khu dịch vụ nếu phát hiện bản thân hoặc người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, khó thở, sốt...
Người lao động/làm việc, người bán hàng phải được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, ký cam kết thực hiện công tác về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh 1 tuần/lần.
Bộ Y tế cũng quy định khu vực chế biến thực phẩm phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; và thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Khu vực ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay; có đủ bàn ghế và đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng theo quy định (có thể xếp ngồi so le hoặc đặt vách ngăn giữa các khách hàng); có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng khách hàng và được vệ sinh sạch sẽ; có đủ thùng đựng rác có nắp đậy và có lót túi; có biển thông điệp 5K về phòng, chống dịch, hướng dẫn khách hàng rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh...
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây sau khi chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19”, số ca nhiễm bệnh đã tăng ở nhiều địa phương trong cả nước, một số nơi do số ca nhiễm bệnh tăng mạnh đã gây quá tải cho các cơ sở y tế. Hiện tại, trung bình mỗi ngày trong toàn quốc ghi nhận hơn 10 ngàn ca mắc mới, trong đó có hàng ngàn ca ở cộng đồng, chưa được kiểm soát, cách ly. Đây chính là nguy cơ có thể làm cho dịch bệnh lây lan rộng, tăng số ca dương tính. Và những nơi có nguy cơ cao có thể phát tán, lây nhiễm mầm bệnh đó là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng. Bởi những nơi này thường tập trung đông người trong không gian hẹp, việc đi lại mua sắm, ăn uống cũng sôi động, tấp nập hơn.
Do vậy, việc Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, để thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế là điều không dễ dàng. Điều này đòi hỏi trách nhiệm, ý thức chấp hành rất cao của các cơ quan, đơn vị quản lý các khu dịch vụ. Nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của các lực lượng chức năng liên ngành. Bên cạnh đó là sự tự giác thực hiện, chấp hành của người bán hàng, người kinh doanh, khách hàng và người dân.
Thực hiện tốt và nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 ở những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm, bùng phát dịch sẽ góp phần rất quan trọng để kiểm soát, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, đảm bảo mang lại địa bàn, khu vực an toàn, ổn định cho các hoạt động kinh tế, dịch vụ phát triển. Qua đó thực hiện thành công “mục tiêu kép” trên địa bàn từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung...
Ý kiến ()