Phòng bệnh cho trâu, bò
Con trâu, con bò giờ đây tuy không còn là đầu cơ nghiệp, nhưng với nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa nó vẫn còn có nhiều giá trị như thay sức kéo, là nguồn cung cấp thực phẩm... Đợt rét đậm, rét hại dịp đầu năm vừa qua đã khiến cho hàng ngàn con trâu, bò bị chết rét, làm giảm số lượng trâu, bò của toàn tỉnh và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhiều gia đình. Nhà nước, tỉnh đã phải có chính sách hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại để vượt qua khó khăn.
Với thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay thì nguy cơ phát sinh và tái phát các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất lớn, khó lường trước. Vì vậy ở những nơi đã phát bệnh ngành Thú y và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc khoanh vùng, khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường chuồng trại để dịch bệnh không lây lan ra diện rộng. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân nói chung và các chủ hộ chăn nuôi nói riêng. Đặc biệt cần điều tra, thống kê để kịp thời tiêm vắc xin phòng bệnh bổ sung cho số trâu, bò chưa được tiêm và triển khai tiêm trên diện rộng cho số gia súc đến thời điểm cần tiêm nhắc lại để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao.
Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm, bài học trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm thời gian qua. Vì vậy những kinh nghiệm tốt, cách làm hay cần được phát huy, nhân rộng; những yếu kém, tồn tại phải được khắc phục, loại bỏ. Đây cũng là việc làm cần thiết và quan trọng để ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao hiện nay.
Ý kiến ()