
Phiên họp thứ 2 BCĐ Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay toàn bộ 22 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 57. Hạ tầng số tiếp tục được mở rộng với 99,8% dân số được phủ sóng 4G, tốc độ truy cập di động đạt hơn 150 Mbps. Cả nước hiện có hơn 11.500 trạm 5G, 26% dân số đã có khả năng tiếp cận dịch vụ 5G. Đáng chú ý, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 50,4%, với trên 3.500 dịch vụ công được cung cấp từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với triển khai đề án 06, đến nay đã tích hợp 56/76 thủ tục hành chính thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 63 địa phương hoàn thành chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho gần 3 triệu người dân; 172 cơ sở khám chữa bệnh tại 29 tỉnh đã triển khai bệnh án điện tử; dữ liệu đất đai số hóa đang được khai thác hiệu quả tại 26 địa phương. Trung tâm dữ liệu quốc gia dự kiến chính thức vận hành từ ngày 19/8/2025.
Về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2021 đến nay đã có hơn 3.200 quy định kinh doanh được cắt giảm. Trong tháng 4 vừa qua, riêng bộ đã công bố thêm 196 thủ tục nội bộ được chuẩn hóa, phục vụ điều hành xuyên suốt. Mô hình Trung tâm hành chính công một cấp đang được triển khai thí điểm tại 5 địa phương.

Phát biểu tham luận về kết quả thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Sau 5 tháng triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ nét. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đồng bộ từ Trung tâm cấp tỉnh tới các chi nhánh và bộ phận một cửa cấp xã. Mô hình đồng thời trở thành đầu mối giúp tỉnh kiểm soát chất lượng thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Quản lý theo khu vực, chuyên ngành, gắn với hướng dẫn chuyên môn và giám sát xuyên suốt từ tỉnh xuống cơ sở đã giúp nâng cao tính chủ động và hiệu lực thực thi.
Tuy nhiên, quá trình thí điểm cũng phát sinh một số khó khăn. Đặc biệt là khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, trong đó cấp huyện không còn thì cần điều chỉnh lại tổ chức và chức năng của mô hình một cấp đang triển khai. Đồng thời, việc phối hợp giữa chi nhánh Trung tâm và các phòng, ban chuyên môn cấp dưới hiện tại vẫn cần được hoàn thiện thêm. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về tổ chức, vận hành mô hình Trung tâm hành chính công một cấp trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm công bố danh mục thủ tục hành chính sau sắp xếp, đảm bảo điều kiện để địa phương tích hợp, vận hành thống nhất, không bị gián đoạn trong cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải đi đôi với cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục rườm rà, phiền hà, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Quá trình triển khai phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, đồng thời là nguồn lực và động lực.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tăng cường huy động nguồn lực, đặc biệt thông qua hợp tác công – tư, phát huy vai trò khu vực tư nhân trong các chương trình phát triển trọng điểm. Công tác chỉ đạo cần thần tốc, táo bạo hơn, đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò then chốt của khoa học công nghệ và chuyển đổi số; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đảm bảo nguồn lực triển khai. Sớm trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật mới được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chủ động xây dựng các chương trình, đề án cụ thể; đồng thời khẩn trương xây dựng bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính, phục vụ việc sáp nhập tỉnh và tổ chức mô hình chính quyền hai cấp. Việc phát triển chính quyền số, hạ tầng số và kinh tế số tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng, kết nối và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu.
Ý kiến ()