
Hành trình tìm lại hào quang của bóng chuyền nữ vùng than
Giữa nhịp sống rộn ràng của vùng than, bóng chuyền nữ Quảng Ninh từng là “ngọn lửa mềm” cháy rực suốt nhiều thập kỷ. Không chỉ là môn thể thao phong trào, đội bóng chuyền nữ đã trở thành biểu tượng của khát vọng, bản lĩnh và niềm tự hào của người Vùng mỏ - nơi những cô gái kiên cường viết nên kỳ tích thể thao cho Quảng Ninh.
Từ phong trào đến chuyên nghiệp
Ngay sau ngày giải phóng Vùng mỏ (25/4/1955), bóng chuyền đã nhanh chóng “bén rễ” trong đời sống lao động và văn hóa của nhân dân khu mỏ Hồng Quảng. Ban đầu chỉ là những trận đấu nội bộ mang tính phong trào, nhưng tinh thần thể thao nơi vùng đất “lửa thử vàng” đã tạo nên một lực đẩy mạnh mẽ.

Năm 1960, đội tuyển bóng chuyền nam và nữ khu Hồng Quảng chính thức được thành lập, tham gia thi đấu hạng B miền Bắc. Chỉ hai năm sau, đội nữ đã lọt vào vòng chung kết giải Bóng chuyền Tổng Công đoàn Việt Nam và giành ngôi Á quân, bước ngoặt đưa đội vươn lên hạng A miền Bắc từ năm 1963.
Khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập (tháng 10/1963), đội đổi tên thành Đội bóng chuyền nữ Than Hồng Gai. Trong giai đoạn 1964-1974, đội luôn nằm trong top 4 miền Bắc, đặc biệt đội đã giành 2 chức vô địch quốc gia các năm 1964 và 1966 - thành tích đáng nể giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt. Không dừng lại ở đó, Quảng Ninh còn có thêm hai đội nữ hạng A là May mặc và Lâm nghiệp Quảng Ninh - minh chứng cho sức sống mãnh liệt của thể thao Vùng mỏ.
Thời kỳ 1975-1985 được xem là “vàng son” của bóng chuyền nữ Quảng Ninh. Đội Than Hồng Gai giành 5 chức vô địch quốc gia (1975, 1977, 1979, 1984, 1985), 2 Cúp Báo Lao Động (1980, 1981) và đỉnh cao là HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I năm 1985 - tấm huy chương vàng duy nhất của Quảng Ninh tại kỳ đại hội này.

Những thành tựu rực rỡ ấy không đến từ may mắn mà là kết quả của hệ thống đào tạo bài bản với đội ngũ HLV giàu kinh nghiệm, như Nguyễn Ngọc Mạnh, Trần Đào, Phạm Thị Nhâm, Nguyễn Thị Cẩm… Trong đó, HLV Nguyễn Ngọc Mạnh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, còn HLV Vũ Đình Chiến được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - những minh chứng sống động cho sự cống hiến bền bỉ.
Hành trình tìm lại vinh quang
Từ “lò” đào tạo, đội ngũ đào tạo bài bản, nhiều VĐV xuất sắc đã tỏa sáng như Nguyễn Thị Cẩm, Lê Thị Thanh, Phạm Thị Rệt, Nguyễn Thị Ái, Trần Thị Thu Hiền, Bùi Lan Anh… góp phần mang vinh quang về cho Quảng Ninh và thể thao Việt Nam. Chị Bùi Lan Anh, VĐV giỏi, có tiếng của Bóng chuyền nữ, cựu tuyển thủ quốc gia, chia sẻ: Thời đó, chúng tôi từng thi đấu bằng cả sự đam mê và niềm tự hào Vùng mỏ. Chính điều đó đã trở thành động lực để chúng tôi không ngừng nỗ lực và cống hiến.
Giai đoạn 1986-2007 chứng kiến nhiều thăng trầm khi mô hình quản lý thể thao thay đổi. Đội bóng trải qua nhiều lần chuyển giao, từ Sứ Ánh Hồng, hợp nhất giữa Than Hồng Gai và May mặc Quảng Ninh thành CLB Công nhân Quảng Ninh, sau đó về Bưu điện Quảng Ninh và sau này là Tuần Châu - Quảng Ninh. Hành trình đó phản ánh chính sách xã hội hóa thể thao tại địa phương.

Dù khó khăn, đội vẫn ghi dấu ấn với 3 chức vô địch toàn quốc liên tiếp (1999-2001), Á quân giải đội mạnh toàn quốc 2005 và được Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2002. Tính đến năm 2007, bóng chuyền nữ Quảng Ninh đã có 9 lần vô địch quốc gia, giành huy chương trong 4/5 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc (HCV 1985, HCB 1995, HCĐ 1990, 2002). Dù từng tụt hạng, nhưng ánh hào quang quá khứ vẫn là ngọn lửa soi đường cho lớp VĐV kế tiếp.
Những năm gần đây, bóng chuyền Việt Nam chuyển mình với sự xuất hiện của nhiều CLB chuyên nghiệp, doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh dù không có tiềm lực tài chính mạnh vẫn kiên cường, liên tục thách thức các đội mạnh, dù chưa thể tạo đột phá do thiếu chiều sâu lực lượng.
Năm 2021 đánh dấu sự trở lại ấn tượng của đội với HCĐ tại Giải Vô địch quốc gia - lần đầu sau 16 năm góp mặt trong top 3. Thành công này có đóng góp lớn của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt và HLV phó Lê Thị Hiền, những người từng giúp đội tuyển nữ quốc gia giành HCB tại SEA Games 30. Tuy nhiên, đội gặp khó khăn trong việc duy trì phong độ. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, đội xếp thứ tư sau khi để thua Ninh Bình ở trận tranh HCĐ. Mùa giải 2024 chứng kiến sự sa sút khi đội phải xuống hạng khỏi giải đấu cao nhất, dẫn đến việc chia tay HLV người Thái Lan Narachata Taweewitchakariya.

Dẫu vậy, vẫn có những điểm sáng. Hai VĐV Vi Thị Như Quỳnh và Lê Thị Yến được triệu tập lên tuyển quốc gia dự VTV Cup 2024. Tại SEA Games 32, Vi Thị Như Quỳnh cùng Đoàn Thị Xuân góp phần giành HCB cho tuyển nữ Việt Nam - thành tích tốt nhất của thể thao Quảng Ninh tại kỳ Đại hội.
HLV Lê Thị Hiền, một gương mặt nổi bật của Bóng chuyền nữ Quảng Ninh, chuyển sang công tác huấn luyện, chia sẻ: Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, chúng tôi vẫn quyết tâm gìn giữ truyền thống, chăm chút thế hệ trẻ cùng nhau nỗ lực vượt khó giúp Bóng chuyền Quảng Ninh vươn lên. Hiện tại, đội bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu vô địch Giải hạng A toàn quốc 2025 để giành quyền thăng hạng. Đội cũng đang tìm kiếm HLV nội đủ tâm huyết, đồng thời cho mượn hai tuyển thủ quốc gia nhằm tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện chuyên môn.
Ý kiến ()