
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và được xác định là “xương sống” của nền kinh tế. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của địa phương.

Công ty TNHH MTV Anh Đức (xã Tiền An, TX Quảng Yên) là một trong những doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật tư thép, nhôm, nhựa tại TX Quảng Yên. Hiện công ty đang kinh doanh các sản phẩm: Tôn màu, tôn kẽm, thép hộp… Sản phẩm của Công ty không chỉ cung cấp thị trường TX Quảng Yên mà còn mở rộng ra các địa bàn lân cận. Tuy nhiên, bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9/2024 vừa qua khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Trong đó, khu vực nhà xưởng rộng hơn 1.000m2 của Công ty bị tốc mái, nhiều vật tư, thiết bị, dây chuyền sản xuất bị hư hỏng gây gián đoạn sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Đức, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, địa phương đã nỗ lực sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau bão. Ngay sau bão số 3, TX Quảng Yên đã tổ chức hội nghị lắng nghe và trao đổi các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão, những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục ổn định sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp đã sớm khắc phục hệ thống điện, nước, viễn thông… ổn định sản xuất trở lại. Hiện, Công ty đang tạo việc làm cho 10 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/người.
Thời gian qua, TX Quảng Yên đã tập trung các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất các sở, ngành của tỉnh giải quyết, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, TX Quảng Yên còn nắm bắt tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để hỗ trợ, đào tạo, tuyển dụng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp. Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư để đi vào hoạt động sớm nhất, tăng năng suất, sản lượng. Năm 2024, TX Quảng Yên đã thành lập mới được 165 doanh nghiệp, đạt 127% và thành lập mới 45 HTX. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 70 doanh nghiệp là nhà đầu tư FDI trong các KCN.

Với đặc thù hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, mặt bằng sản xuất… nên các doanh nghiệp này gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh; dễ bị “tổn thương” do tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Chính vì vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng. Xác định rõ điều đó, tỉnh và các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh mới…
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác này do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ theo lĩnh vực phụ trách. Hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh đều gặp gỡ doanh nghiệp để nghe phản ánh khó khăn, trực tiếp chỉ đạo ngành, địa phương có giải pháp để khắc phục. Cùng với đó là hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ năng lực khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh phúc lợi xã hội tại địa phương.
Các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các website, fanpage của tỉnh, địa phương, sở, ngành; qua nhóm zalo, email, phát hành văn bản. Nội dung thông tin tập trung vào các chủ trương, chính sách mới ban hành của Trung ương, tỉnh; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, những thông tin về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số sở, ngành đã chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các nước trong khối EU, Đông Bắc Á, Nam Á về nhập khẩu lương thực, thực phẩm; các quy định, quy tắc về hợp tác quốc tế. Những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, Hiệp định EVFTA, thông tin về chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số... cũng đã được cập nhật thường xuyên đến cộng đồng doanh nghiệp.
Để khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh cũng đã khai trương Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số có chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Trung tâm góp phần tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba nhà theo định hướng phát triển của tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, trong đó có Kế hoạch số 152/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2026. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), Quảng Ninh triển khai các biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt và nhanh chóng. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão số 3 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; thành lập tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục, hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh còn tổ chức các cuộc họp là trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, bàn giải pháp xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân; báo cáo đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề…
Với các giải pháp đồng bộ của tỉnh và các ngành, địa phương, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Năm 2024, Quảng Ninh có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11.765 doanh nghiệp đang hoạt động; 681 HTX đăng ký hoạt động, có kê khai thuế.
Ý kiến ()