Quảng Ninh: Phát huy những giá trị văn hoá
Bão số 3 (Yagi) gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế của Quảng Ninh, trong đó, du lịch, dịch vụ là một trong những ngành bị thiệt hại nhiều nhất. Khắc phục khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng đề ra nhiều giải pháp khôi phục thiệt hại do bão, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng. Trong đó, các địa phương đã có những giải pháp thu hút khách từ những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong 9 tháng của năm 2024, du lịch của Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt trên 15,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,59 triệu lượt. Cơ cấu khách quốc tế đến chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức, Nhật. Tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Bão số 3 đổ bộ trọng tâm vào Quảng Ninh đã gây ra nhiều thiệt hại đối với các cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh. Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Bảo tàng tỉnh, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, tàu du lịch, điểm tham quan… bị hư hỏng, đắm. Qua đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các sự kiện, kế hoạch đón khách du lịch của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng, ngành du lịch Quảng Ninh nói chung.
Cảnh quan du lịch bị bão tàn phá nặng nề, tuy nhiên, Quảng Ninh còn có tiềm năng, thế mạnh du lịch cốt lõi, bền vững đó là những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Ngày 1/10/2024, UBND huyện Tiên Yên đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Mùa vàng Đại Dực năm 2024 với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao hấp dẫn như giao lưu hát dân ca Sán Chỉ “Về miền Sóong cọ” kết hợp với giao lưu văn nghệ tại khu vực ruộng bậc thang thôn Khe Lặc. Thi bóng đá, bóng chuyền hơi, các môn thể thao dân tộc (kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay), thi giã gạo nhanh, nấu cơm niêu, trưng bày mâm cỗ của người dân tộc Sán Chỉ. Ngoài ra, còn có trưng bày và bán các sản phẩm nông, lâm sản địa phương, không gian văn hoá dân tộc Sán Chỉ, trải nghiệm ẩm thực… Huyện cũng đã chỉ đạo xã Đại Dực làm mới các điểm check in bị ảnh hưởng sau bão số 3 như không gian chụp ảnh trên bãi thải số 2, các sạp tre và điểm view để ngắm Mùa vàng thôn Khe Ngàn, thôn Khe Lặc, Khe Lục, điểm homestay Đại Dực, nhà cổ; tổ chức tốt các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch trên địa bàn xã Đại Dực như homestay, nhà truyền thống dân tộc Sán Chỉ, hồ Tuyệt Tình Cốc.
Cùng với Tiên Yên, huyện Bình Liêu cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức Tuần văn hoá - du lịch Bình Liêu năm 2024, bao gồm các hoạt động du lịch mùa thu - đông kéo dài từ nay đến hết năm như lễ mừng cơm mới của người Tày, giải leo núi chinh phục “Sống lưng khủng long” lần thứ IV, thi trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn văn nghệ dân gian, giải đua xe đạp, hội hoa sở, trải nghiệm quy trình chế biến miến dong… Huyện cũng đã có kế hoạch phối hợp với công ty lữ hành mời các công ty du lịch chuyên đón khách nước ngoài với các đối tượng khách có nhu cầu trải nghiệm thiên nhiên, văn hoá độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện tham gia chương trình khảo sát sản phẩm du lịch để đón khách.
Sở Văn hoá - Thể thao và huyện Bình Liêu cũng đã có kế hoạch phối hợp tổ chức tại huyện Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số và Giải bóng đá nữ các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh - cup Hà Lan năm 2024. Mục đích nhằm tiếp tục tôn vinh và quảng bá những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đặc sắc của Bình Liêu cùng những giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc đến người dân và du khách.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành Du lịch Quảng Ninh đặt ra mục tiêu quý IV đạt 3,36 triệu lượt khách và cả năm đạt 19 triệu lượt khách (trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế). Trong bối cảnh cảnh quan thiên nhiên bị ảnh hưởng do bão số 3 thì đây chính là dịp thích hợp để chúng ta khai thác, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, đặc sắc của Quảng Ninh.
Ý kiến ()