Đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Vùng mỏ đến với Quốc hội
Với tâm thế khát khao đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mang tiếng nói của cử tri và nhân dân đến với Quốc hội. Từ đó góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Sâu sát những vấn đề từ thực tiễn
Những kết quả về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua là điển hình cụ thể, làm rõ hơn những vấn đề lý luận từ nghị quyết của Đảng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy KT-XH phát triển. Từ thực tiễn sinh động ấy, với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến kịp thời gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương về xây dựng luật pháp, phát triển KT-XH, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.
Tháng 9/2024, Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Khắc phục thiệt hại của bão cũng nảy sinh những bất cập trong cơ chế chính sách ở cơ sở. Ngay sau bão, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT), cứu hộ, cứu nạn (CHCN) và bảo vệ môi trường; thăm hỏi, động viên các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão.
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Cẩm Phả, Đoàn đã nắm bắt nhiều nội dung bất cập liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác PCTT, CHCN, bảo vệ môi trường, như: Luật Khoáng sản khi thực hiện khắc phục các vị trí sạt lở, nạo vét sông suối; các vướng mắc liên quan đến Luật PCTT, Luật Phòng thủ dân sự, Luật PCCC&CHCN khi thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, thông tin liên lạc; bổ sung chính sách hỗ trợ đối với các hộ bắt buộc phải di dời tạm thời trong điều kiện khẩn cấp về thiên tai; quy hoạch các khu vực có thể tiếp nhận các hộ dân di dời tạm thời; chính sách hỗ trợ đối với những hộ NTTS bị thiệt hại; nghiên cứu tổng thể hiện trạng các bãi thải mỏ để đề xuất các bộ, ngành trung ương giải pháp phục hồi môi trường và tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liêu san lấp…
Bà Nguyễn Thị Mạng (tổ 24, khu 5, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) chia sẻ: "Người dân chúng tôi rất xúc động khi ngay trong lúc khó khăn, cả khu dân cư bị ngập lụt, các ĐBQH đã tới tận nơi hỏi thăm, động viên, chia sẻ với những mất mát và nắm bắt tình hình nhân dân. Đây thực sự là nguồn động viên rất lớn, tạo niềm tin sâu sắc của cử tri khi những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề phát sinh từ cơ sở được các đại biểu trực tiếp ghi nhận, phản ánh đến các cấp, ngành chức năng".
Trong quá trình khảo sát thực tế tại các địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp, ghi nhận những vấn đề phát sinh, kiến nghị của cử tri, địa phương, báo cáo với Quốc hội, UBTV Quốc hội. Đồng thời đối chiếu, phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật từ thực tiễn địa bàn. Từ đó kiến nghị, đề nghị với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế; kiến nghị với Quốc hội, UBTV Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi những quy định liên quan đến chính sách pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai. Đoàn ĐBQH tỉnh còn phát huy tinh thần "tương thân, tương ái" thăm, động viên 60 tập thể, 556 cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bão với tổng kinh phí huy động trên 3 tỷ đồng.
Những năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đẩy mạnh đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) để lắng nghe, tiếp thu thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Đoàn tổ chức TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, tập trung vào những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; dành thời gian cho việc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri; tạo điều kiện tốt nhất để cử tri là người lao động trực tiếp được tham gia các buổi TXCT với các ĐBQH tỉnh. Qua đó tổng hợp, phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực những ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo lại với cử tri theo quy định.
Cử tri tỉnh đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri cũng ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển SXKD…, góp phần duy trì tốc độ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của đất nước; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.
“Cầu nối” ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Với tư cách là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, các ĐBQH tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết và nêu cao vai trò người đại biểu nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hàng chục hội nghị để lấy ý kiến đóng góp các dự án luật, bộ luật và nghị quyết trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh chú trọng mở rộng đối tượng lấy ý kiến, tham gia bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của các ĐBQH, các sở, ngành, đơn vị có liên quan; phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp; phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật chuyên ngành…
Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, trong các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận sôi nổi, thể hiện rõ quan điểm của ĐBQH, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp. Các bài phát biểu có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, được chủ toạ kỳ họp, các ĐBQH, các đoàn ĐBQH các địa phương và cử tri đồng tình, đánh giá cao. Các ĐBQH chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động thẩm tra các dự án luật, tiếp thu, chỉnh lý, chuẩn bị dự thảo các nghị quyết của Quốc hội. Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia phát biểu ở các phiên thảo luận tổ và hội trường, đóng góp nhiều ý kiến với Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH của đất nước.
Hoạt động chất vấn của ĐBQH đã phát huy hiệu quả tại các kỳ họp Quốc hội, chất lượng các câu hỏi chất vấn ngày càng được nâng cao. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn trực tiếp tại Quốc hội và gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Đó là những vấn đề được cử tri, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, như: Khai thác đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ khó khăn giao mặt nước cho người dân NTTS; giãn, giảm lãi suất ngân hàng cho người vay vốn SXKD bị ảnh hưởng bởi thiên tai; đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu trong vùng đệm di sản; phát triển ổn định ngành Than giai đoạn tới…
Với những đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, chân thành của các ĐBQH tỉnh trên nghị trường, nhiều nội dung đã được Quốc hội, UBTV Quốc hội ghi nhận, tiếp thu trong các nghị quyết và các dự án Luật; trong đó có những vấn đề cụ thể của Quảng Ninh, chung của đất nước. Nổi bật: Các ý kiến đóng góp xây dựng về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm của đất nước; tài chính, ngân sách nhà nước; nhân sự cao cấp của Nhà nước; an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; cải cách thể chế và CCHC; bảo tồn phát huy các giá trị di sản, văn hóa… Từ đó góp phần tạo cơ sở cho việc quản lý, điều hành KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hội nhập quốc tế.
Từ những kết quả thực tiễn đã khẳng định các ĐBQH tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, gương mẫu trong cuộc sống, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó.
Ý kiến ()