
Nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc
Tháng Tư về, những ngày kỷ niệm trọng đại như Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 hay Ngày Giải phóng Vùng mỏ 25/4 trở thành dịp đặc biệt để các thầy cô giáo dục cho học sinh hiểu và trân trọng truyền thống cách mạng. Những ngày qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc trong mỗi em học sinh.
Một trong những hoạt động tiêu biểu, có ý nghĩa là chương trình ngoại khóa “Ngày hội toàn thắng” do Trường THCS Chu Văn An (TP Cẩm Phả) tổ chức sáng 18/4/2025. Đây là hoạt động trọng điểm nằm trong kế hoạch giáo dục truyền thống, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đồng thời là dịp để giáo viên, học sinh toàn trường ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập, tự do.
Chương trình được tổ chức trang trọng, sinh động với sự tham gia của toàn thể học sinh, giáo viên và khách mời. Mở đầu là các tiết mục văn nghệ chào mừng do chính học sinh biểu diễn, với những ca khúc cách mạng hào hùng, khơi gợi niềm tự hào dân tộc trong mỗi người. Nội dung chính của chương trình gồm hai phần thi: “Hiểu biết lịch sử” và “Tài năng sân khấu hóa”. Bốn đội thi đại diện cho 4 khối lớp mang đến những phần trình diễn ấn tượng, phản ánh các chủ đề lịch sử: Từ hình ảnh người nông dân cầm súng trong “Đất nước đứng lên”, đến khí thế sản xuất nơi hậu phương trong “Miền Bắc tăng gia sản xuất”; từ hành trình vượt Trường Sơn gian khổ trong “Đường lên phía trước” đến giây phút thiêng liêng của ngày chiến thắng trong “Kháng chiến thắng lợi - Bắc Nam sum họp”. Các tiết mục được dàn dựng công phu, đầy cảm xúc, giúp học sinh hóa thân thành những nhân vật lịch sử, sống lại từng trang sử vàng son của dân tộc qua lăng kính tuổi học trò.

Không khí sôi nổi còn lan tỏa qua phần thi dành cho khán giả, khi các em giơ tay, dõng dạc thể hiện tinh thần học tập lịch sử sôi nổi. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, hấp dẫn, mà còn truyền tải hiệu quả những giá trị truyền thống đến với học sinh. “Ngày hội Toàn thắng” không chỉ là một hoạt động kỷ niệm, mà thực sự trở thành hành trình giáo dục cảm xúc, hun đúc lòng biết ơn và khơi dậy khát vọng tiếp nối truyền thống vẻ vang trong mỗi học sinh.
Cô giáo Trần Thị Thu Hương, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Chu Văn An, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thông qua những hoạt động ngoại khóa như thế này, các em học sinh không chỉ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, mà còn cảm nhận được những hy sinh, mất mát để có được độc lập, tự do hôm nay. Mỗi tiết mục, mỗi phần thi là một cách để các em học cách yêu Tổ quốc theo cách riêng của mình - bằng niềm tự hào, sự biết ơn và khát vọng đóng góp. Điều đáng quý là các em không chỉ tham gia nhiệt tình, mà còn thực sự nhập tâm, sống với từng câu chuyện lịch sử mình thể hiện. Đó là dấu hiệu cho thấy tình yêu quê hương, đất nước đã và đang được nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ hôm nay một cách tự nhiên và bền vững.”
Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của tuổi trẻ cả nước hướng về ngày hội lớn của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân trong học sinh.
Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long) tổ chức hội thao Giáo dục Quốc phòng - An ninh, trở thành điểm nhấn nổi bật trong chuỗi hoạt động hướng về ngày kỷ niệm. Thông qua các phần thi kỹ năng quân sự, thể lực, chiến thuật mô phỏng… hội thao đã góp phần rèn luyện ý chí, bản lĩnh, tinh thần kỷ luật và lòng yêu nước cho các em học sinh. Đây không chỉ là dịp để các em thể hiện sự trưởng thành về thể chất và nhận thức, mà còn khơi dậy tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cũng với mục tiêu giáo dục truyền thống qua trải nghiệm thực tế, Trường THCS Lê Văn Tám (TP Hạ Long) tổ chức chương trình “Một ngày làm chiến sĩ” tại Trung đoàn 213 (phường Hà Trung, TP Hạ Long). Với chủ đề “Theo dấu chân những người anh hùng”, học sinh được hóa thân thành các chiến sĩ tham gia thử thách như giải mật thư, vượt chướng ngại vật, vận chuyển quân lương, kéo pháo phá địch… Các hoạt động mô phỏng sống động, hấp dẫn đã giúp học sinh hiểu thêm về cuộc sống người lính, từ đó thêm trân trọng những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.
Trong khi đó, Trường TH, THCS và THPT Văn Lang đã lựa chọn hình thức học tập trải nghiệm tại các “địa chỉ đỏ” của thành phố Hạ Long. Tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, học sinh được tham gia nghi lễ dâng hương, dâng hoa trang nghiêm; trò chuyện cùng các cựu chiến binh. Đặc biệt, chuyến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thực, người mẹ có hai con là liệt sĩ, đã để lại trong lòng các em những ấn tượng sâu sắc về sự hy sinh, mất mát và những điều rất đỗi đời thường mà thiêng liêng của một thời chiến tranh.
Rất nhiều cách làm với nhiều hình thức khác nhau, nhưng các trường đều có chung một mục tiêu khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và lý tưởng sống cao đẹp trong thế hệ học sinh hôm nay. Những buổi học ngoài lớp, những chuyến đi đến địa chỉ đỏ hay các hội thao rèn luyện bản lĩnh… đều là cách để các em học sinh hiểu hơn về lịch sử, về những hy sinh để có được hoà bình hôm nay. Qua đó, tình yêu quê hương, lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm với đất nước cũng lớn dần lên trong các em một cách tự nhiên, bền vững.
Ý kiến ()