Nỗi lo từ rau, quả tẩm ướp hoá chất
Gần đây, sau khi báo chí tiếp tục thông tin về tình trạng này, đặc biệt là việc phát hiện nông dân ở một làng ngoại thành Hà Nội “biến” hoa quả từ xanh thành chín chỉ qua 1 đêm bằng cách phun tẩm một loại hoá chất không rõ nguồn gốc đã khiến nỗi lo của người tiêu dùng tăng lên gấp bội. Và cũng từ sức ép công luận này mà một số cơ quan chuyên môn mới bắt tay vào lấy mẫu để kiểm tra, phân tích.
Phải khẳng định rằng có rất nhiều vấn đề bức xúc diễn biến, nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày nhưng các cơ quan quản lý, chuyên môn luôn thụ động chạy theo sau, thậm chí khi hậu quả xảy ra rồi mới vào cuộc. Chính sự thụ động, thiếu trách nhiệm này mà nhiều năm qua hoa quả nhập khẩu của nhiều nước, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc cứ “vô tư” ùn ùn đổ vào nội địa, tràn ngập các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, luồn vào các ngõ ngách làng quê. Do không ai hiểu và nắm chắc các loại hoá chất dùng trong bảo quản, kích thích hoa quả là gì, liều lượng ra sao, mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào nên mọi người vẫn thản nhiên sử dụng, nhưng vừa dùng vừa lo. Theo một số nhà khoa học thì loại hoá chất được sử dụng để kích thích hoa quả chín nhanh, có mẫu mã đẹp chỉ được phép sử dụng đối với cây công nghiệp (cao su, bông), nhưng nó đã được nông dân “sáng tạo” để kích thích các loại hoa quả như cà chua, đu đủ, hồng xiêm, xoài v.v.. Và đây là loại hoá chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Không chỉ có hoa quả, hiện nay nhiều nông dân còn sử dụng các loại thuốc kích thích ngoài danh mục được phép đối với rau màu để nhanh cho thu hoạch.
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Vì vậy hằng ngày có hàng tấn rau, quả các loại được nhập vào và toả đi các địa bàn trong và ngoài tỉnh phục vụ người tiêu dùng. Thế nhưng các cơ quan chức năng ở cửa khẩu cũng chưa kiểm soát được mức độ an toàn của các loại hoa quả, thực phẩm này. Mới đây ngành Y tế đã thành lập cơ quan chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy cần tăng cường nhân lực, thiết bị và các điều kiện khác để đảm bảo quản lý tốt vấn đề này, phục vụ tích cực cho hoạt động giao thương hàng hoá, và tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng khi sử dụng các loại thực phẩm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường...
Ý kiến ()