Nỗi buồn học đường
Chỉ vì xích mích giữa 2 học sinh trong cùng một trường mà chỉ mấy tiếng sau xảy ra cuộc truy sát kinh hoàng. Sự việc diễn ra vào buổi chiều, ngay gần trường học, mang tính chất bạo lực nghiêm trọng với hậu quả 5 học sinh bị thương nặng. Và điều mà các thầy cô, cũng như các bậc phụ huynh và chắc hẳn, chính giới học sinh thấy “đắng lòng” là vụ việc xảy ra trước Ngày Nhà giáo Việt Nam một hôm.
Bạo lực học đường không còn là hồi chuông báo động mà đã và đang thực sự trở thành “vấn nạn”. Không chỉ học sinh nam, mà cả học sinh nữ cũng sẵn sàng sử dụng bạo lực với nhau khi có va chạm, thậm chí chỉ là một sự hiểu lầm. Thực trạng này phổ biến ở nhiều trường, nhiều vùng miền. Chưa tới mức hàng ngày, song cứ vài ba tháng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại “rộ” lên bởi những vụ học trò “nói chuyện” với nhau bằng vũ khí cùng những hành động mang tính chất côn đồ.
Trở lại vụ việc xảy ra vào chiều ngày 19-11 ở khu vực quảng trường Cột 3, TP Hạ Long. Đi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa mới thấy vừa là sự nông nổi, nhưng cũng ẩn chứa những tác động của mặt trái xã hội. Mâu thẫn nảy sinh chỉ vì chê bai nhau theo kiểu lớp này giỏi, lớp kia kém. Giá như vì điều đó mà hai bên chọn cách chứng minh bằng thành tích học tập thì chắc hẳn, cha mẹ cùng thầy cô cũng như chính bản thân các em không bị “dấu ấn đen” đè nặng trong tâm lý.
Được biết, hung thủ trong vụ án này đã bị bắt. Vụ việc sẽ bị các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh, thích đáng. Và điều mà mỗi chúng ta đều cảm nhận được là chẳng nhà trường và gia đình nào muốn có những bài học như thế. Qua đây, thêm một lần nữa nhắc nhở sự lưu tâm của toàn xã hội nói chung và ngành Giáo dục nói riêng về việc trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho các em học sinh. Đây là một yêu cầu vô cùng cần thiết, bởi lẽ, nó phần phần quan trọng hình thành sự phát triển toàn diện của một công dân có ích trong xã hội.
Ngọc Lê
Ý kiến ()