
Nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chỉ sau 20 ngày, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Sự ra đời của Nghị quyết 57-NQ/TW được ví như một luồng sinh khí mới, một "khoán 10" cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam, mang lại động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.
Nghị quyết đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng khoa học và người dân cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Ngay sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 15/01/2025 về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 24/1/2025 thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh có những chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức được vai trò dẫn dắt của KH&CN trong phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thống nhất, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền xuống cơ sở gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết đi vào chiều sâu; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm. Đặc biệt, một số chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết (chỉ số TFP duy trì trên 50%, chỉ số PII đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố và tăng 3 bậc so với năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 33,13%, tăng gần 10% so với năm 2023, trên 90% kết quả nhiệm vụ KH&CN được duy trì, ứng dụng; 29 doanh nghiệp KH&CN (tăng 5 doanh nghiệp so với năm 2024).
Cùng với đó, việc khai thác và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm là sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương ngày càng được chú trọng, đã góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, đặc biệt là an ninh phóng xạ xuyên biên giới được tăng cường. Đặc biệt, 100% dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều được thẩm định hoặc tham gia ý kiến về công nghệ. Tỉnh kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu đầu tư trên địa bàn.
Theo đánh giá, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức về bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu, biến động chính trị - an ninh thế giới, vừa tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý, khắc phục các yếu kém, tồn đọng, khuyết điểm đã được chỉ ra; đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh có nhiều biến động; cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá nặng nề các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Bối cảnh đó cũng đặt ra thách thức vô cùng lớn cho việc phục hồi và phát triển nền kinh tế để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Mặc dù vậy, Quảng Ninh quyết tâm vượt mọi khó khăn, thực hiện thành công Nghị quyết số 57 với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Theo định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại, hạnh phúc; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%. Tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu phấn đấu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số phấn đấu đạt tối thiểu 30% GRDP, 90% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ/số thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%, trong đó 100% các dịch vụ thiết yếu xã hội (an sinh xã hội, y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông, thu vé tham quan vịnh, bảo tàng, thư viện), 100% giao dịch giải quyết thủ tục hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện và các xã khu vực đồng bằng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đối với các xã khu vực còn lại đạt tối thiểu 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người, đóng góp vào chỉ số phát triển con người duy trì trên 0,82%.
Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển phấn đấu đạt 2% GRDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm trên 60%; dành nguồn lực thỏa đáng trong tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại, đầu tư bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo. Có tối thiểu trên 35 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó phấn đấu có 1-2 tổ chức đánh giá xếp loại quốc gia. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt trên 12 người trên một vạn dân. Số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 18 - 20%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt tối thiểu 10%.
Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao; từng bước ứng dụng, khai thác hiệu quả các công nghệ chiến lược, công nghệ số, như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố, thị xã có đủ điều kiện.
Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số. Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước.
Với tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh đặt mục tiêu: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập cao. Có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP; thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thu hút thêm ít nhất 1 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Quảng Ninh.
Ý kiến ()