
Nỗ lực giúp trẻ yếu thế hoà nhập
Ở TP Uông Bí, trong số bao trẻ em đang hồn nhiên vui đùa, học tập và phát triển, vẫn có những trẻ em thiệt thòi. Các em bị khuyết tật vận động, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật trí não, bị mắc các chứng bệnh tự kỷ, tăng động… và cả những em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, lành lặn về thể chất, nhưng ít nhiều bị tổn thương tâm lý, tinh thần. Bằng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao, những trẻ em nói trên trong môi trường trường học đã được thầy cô giáo, nhà trường, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội chăm lo, bảo vệ, hỗ trợ để các em hoà nhập.
Hai anh em sinh đôi Nguyễn T và Nguyễn V (6 tuổi) bị khuyết tật trí não thể nặng, khó có khả năng nhận biết và thực hành theo hướng dẫn của người lớn, gần 1 năm qua là học sinh Trường Mầm non Thanh Sơn. Thương hai em, các cô giáo ở trường đã tìm hiểu và áp dụng giáo án chăm sóc hai em một cách phù hợp nhất. Năm học này, mặc dù đã qua tuổi mẫu giáo, hai anh em T và V tiếp tục ở lại Trường Mầm non Thanh Sơn, tiếp tục được các cô giáo ở đây chăm sóc, giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Sơn, cho biết: Hằng năm, các lứa học sinh đôi khi vẫn có những trẻ khuyết tật. Đối với những trẻ này, chúng tôi dạy bảo, chăm sóc không đơn thuần chỉ là học sinh, mà là người thân, là con cháu mình. Các cô giáo mầm non công việc vốn vất vả, chuyên môn cũng không phải được đào tạo sâu về chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, chế độ, chính sách dành cho các cô chăm sóc trẻ khuyết tật cũng còn hạn chế, nhưng ở trường này các cô chưa nề hà việc gì, thậm chí còn làm việc hơn cả trách nhiệm đề ra. Mục tiêu cũng chỉ là mong trẻ có tiến bộ, khoẻ hơn, nhanh nhẹn hơn một chút, có cơ hội để hoà nhập.
Không ở trường hợp trẻ khuyết tật, trường hợp của em Đặng Hưng, lớp 9A1, Trường TH-THCS Nam Khê lại chịu thiệt thòi khi bố mẹ lao động tự do ở nước ngoài, bản thân em sinh sống tạm trú ở nhà người thân. Thời điểm tháng 4, khi xét duyệt hồ sơ thi tuyển vào lớp 10, hồ sơ của Đặng Hưng không đủ điều kiện, do em chưa làm được thẻ căn cước. Không để Hưng có nguy cơ lỡ mất kỳ thi quan trọng, Ban Giám hiệu Trường TH-THCS Nam Khê đã chủ động phối hợp cùng Phòng GD&ĐT TP Uông Bí, công an các phường Trưng Vương, Phương Đông, UBND các phường Nam Khê, Trưng Vương, Phương Đông xác nhận nhân thân, tìm người bảo hộ hợp pháp cho em. Nhờ đó đủ điều kiện đưa dữ liệu cá nhân của Hưng lên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, là cơ sở để làm thẻ căn cước, kịp thời hoàn thiện hồ sơ để Hưng dự tuyển kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026.
Cô giáo Nguyễn Thu Trang, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Nam Khê, cho biết: Ở lứa tuổi của các em, những tác động không đáng có dù là khách quan hay chủ quan đều có thể ảnh hưởng đến tâm, sinh lý, suy nghĩ và hành động của các em. Đối với trường hợp của Hưng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi quan trọng, không thể vì vướng mắc do nhân thân, gia đình em đang có mà ảnh hưởng đến việc học và sự phát triển của bản thân em. Như vậy Hưng sẽ rất thiệt thòi và mất đi một cơ hội. Vì vậy chúng tôi đã nỗ lực để giúp em tháo gỡ những vướng mắc.
Tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo Trường TH-THCS Nam Khê và các đơn vị phối hợp đã kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho học sinh Đặng Hưng, tạo niềm tin và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong em.
Cùng các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đối với những trường hợp học sinh thiệt thòi cụ thể, hằng năm trong các trường học trên địa bàn TP Uông Bí đều triển khai những hoạt động động viên, khuyến khích học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ định kỳ, đột xuất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, thiếu nguồn nuôi dưỡng… Những hoạt động “Tết yêu thương”, “Xuân chia sẻ”, những chương trình “Nâng bước trẻ em đến trường”, “Mẹ đỡ đầu”, những việc làm hảo tâm tài trợ học bổng, tài trợ chi phí giáo dục (học phí, sách vở, đồ dùng học tập…) cho học sinh khó khăn luôn là những hành động đẹp, chung tay chăm lo cho trẻ em nghèo, góp phần tạo dựng thế hệ tương lai tươi sáng, tốt đẹp, tạo nên những giá trị nhân văn trong cộng đồng xã hội.
Ý kiến ()