
NHNN: Tiếp tục giảm lãi suất, bám sát chặt diễn biến tỷ giá để điều tiết
Thống đốc kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo để hài hòa thương mại với các đối tác lớn, tránh rủi ro về thuế vì tỷ giá hiện đang chịu sức ép lớn bởi chính sách thuế của Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế tổ chức sáng nay (21/2), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ Ngân hàng Nhà nước quyết tâm cao trong góp phần đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, song song với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…
Theo dõi sát biến biến lãi suất và tỷ giá
Chia sẻ tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá bối cảnh tình hình quốc tế năm 2025 cho thấy diễn biến kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục khó lường với độ mở cửa lớn của nền kinh tế. Những căng thẳng, thay đổi về chính sách thương mại sẽ tiếp tục tạo nhiều áp lực cho thị trường tài chính. Chính sách tiền tệ, tỷ giá của các ngân hàng trung ương trên thế giới và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chịu rất nhiều áp lực.
Ở trong nước, mặc dù tình hình của chúng ta cải thiện nhưng vẫn còn những khó khăn thách thức, doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, không còn cách nào khác, nước ta phải duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới.
Thống đốc cho biết với bối cảnh này và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, Ngân hàng Nhà nước tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Ngoài ra, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động. Ngân hàng Nhà nước cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5%-5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý để khi cần các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì đã có cơ sở thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng như là gói tín dụng thủy sản 100.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở là 120.000 tỷ đồng.
Cũng theo Thống đốc, đối với nội dung lãi suất và tỷ giá, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức. Những biến số này sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào ra của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, thậm chí là diễn biến hàng ngày để có sự chủ động trong điều tiết.
Đối với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, kết hợp tổng thể các giải pháp điều hành về vấn đề tỷ giá.
Các nhiệm vụ trọng tâm khác như thúc đẩy đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, mạng lưới xử lý nợ xấu và các nhiệm vụ khác, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quyết liệt triển khai.
Ở góc độ vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng để đạt được tăng trưởng cao thì cần phải khai thác tối đa các yếu tố đầu vào, đó là yếu tố về vốn, vốn thì phải huy động cả trong nước và nước ngoài, vì bản chất nền kinh tế Việt Nam là tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, dư địa để huy động vốn nước ngoài thì chúng ta đã có, các bộ, ngành cũng đang thực hiện, nghiên cứu, rà soát. Hiệu quả sử dụng vốn cũng cần được tăng cường.
"Chúng tôi rất phấn khởi khi mà cải cách tháo gỡ khó khăn, giảm tầng nấc trung gian, làm sao rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án, đây cũng là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và dòng vốn sẽ quay về ngành ngân hàng nhiều hơn, chúng tôi có điều kiện tiếp tục cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, giúp việc giảm lãi suất cho vay thuận lợi hơn," Thống đốc nói thêm.
Cần huy động tối đa nguồn vốn
Để điều hành chính sách tiền tệ thuận lợi hơn, Thống đốc kiến nghị, muốn tăng trưởng cao, nền kinh tế cần huy động tối đa nguồn vốn, cả trong và ngoài nước vì bản thân nền kinh tế Việt Nam tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư. Hiện dư địa vay vốn nước ngoài của Việt Nam đang có, các bộ ngành cũng đang nghiên cứu, rà soát.
Ngoài tận dụng nguồn vốn ngoại, Thống đốc cũng đề nghị nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc Chính phủ triển khai các giải pháp cải cách cơ chế, giảm tầng lớp trung gian, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án… thời gian qua cũng là cách làm tăng hiệu quả dòng vốn, từ đó vốn quay lại ngân hàng nhanh hơn, giúp ngành ngân hàng có thêm nguồn để cho vay doanh nghiệp và có điều kiện để giảm lãi vay.
Với tín dụng, để tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra, Thống đốc kiến nghị cần triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn cử như chính sách bảo lãnh vay vốn phải được triển khai hiệu quả hơn. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
“Dư nợ bất động sản hiện đạt 3,48 triệu tỷ đồng nhưng nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu được tháo gỡ, dòng tiền chảy vào lĩnh vực này sẽ được lưu thông hiệu quả hơn,” Thống đốc kiến nghị.

Riêng với tỷ giá hiện đang chịu sức ép lớn bởi chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donal Trump và nguy cơ bị Mỹ tiếp tục điều tra về thao túng tiền tệ do Việt Nam xuất siêu lớn vào Mỹ, Thống đốc kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo để hài hòa thương mại với các đối tác lớn, tránh rủi ro về thuế.
Đối với tín dụng nhà ở, ngành ngân hàng rất quyết liệt dành nguồn lực tài chính của hệ thống, tuy nhiên với 120.000 tỷ đồng giải ngân hạn chế, Ngân hàng Nhà nước cũng phân tích đánh giá đã là người dân có thu nhập thấp rồi thì không phải ai cũng có mong muốn đi vay để sở hữu một cái nhà. Cho nên Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp.
“Về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng,” Thống đốc nhấn mạnh./.
Ý kiến ()