
Nhiều sản phẩm du lịch mới tại Cô Tô
Bước vào cao điểm du lịch hè, huyện Cô Tô là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Với các tour khám phá đảo, hoạt động thể thao biển, giải trí đêm và sáng kiến du lịch xanh, chính quyền và doanh nghiệp huyện Cô Tô đang dồn mọi nguồn lực để mang đến những trải nghiệm đa dạng đáng nhớ cho du khách.
Nét mới du lịch Cô Tô năm 2025 là thực hiện “Du lịch xanh - trải nghiệm sạch - điểm đến văn minh”. Huyện Cô Tô đã và đang đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng không gian trải nghiệm với các tuyến du lịch tham quan đưa du khách đến những hòn đảo tuyệt đẹp còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ được thiên nhiên ban tặng, các sản phẩm “du lịch bản địa” gắn với văn hóa ngư dân, cùng chuỗi dịch vụ chất lượng cao trên nền tảng số hóa. Trong đó, huyện đưa vào hoạt động các tuyến tham quan bằng xe điện, tour đạp xe ven biển, và không gian “check-in không rác thải nhựa”...
Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch đều được khuyến khích và cam kết tham gia chương trình “Du lịch không nhựa dùng một lần”, góp phần xây dựng hình ảnh một Cô Tô sạch - đẹp - văn minh trong mắt du khách.
Điểm nhấn đặc biệt trong mùa du lịch năm nay của huyện Cô Tô là thực hiện Đề án thí điểm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, tham quan các đảo trên địa bàn huyện Cô Tô. Các hoạt động chính được thí điểm gồm: Vui chơi giải trí dưới nước tại các bãi biển nổi tiếng, như: Vàn Chảy, Hồng Vàn, Vụng Tròn, Ba Châu, Cô Tô Con… với nhiều loại hình hấp dẫn như chèo kayak, mô tô nước, dù bay, lặn ngắm san hô… Bên cạnh đó, tổ chức 8 tuyến tham quan đảo, kết nối các điểm đến có điều kiện tự nhiên thuận lợi như: Đảo Cô Tô Con, hòn Cá Chép, hòn Sư Tử, hòn Bảy Sao, hòn Đông Nam, đảo Thanh Lân và đảo Trần.
Thời gian triển khai từ tháng 4/2025 đến hết năm 2026. Theo đồng chí Lê Ngọc Hân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, các hoạt động được tổ chức theo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ, an toàn tuyệt đối, bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái. Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm triển khai hiệu quả, tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn. Đây là bước đi chiến lược trong tiến trình phát triển du lịch Cô Tô theo định hướng xanh, thân thiện và hội nhập; đa dạng hóa sản phẩm du lịch đồng thời góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương và bảo đảm quốc phòng - an ninh và khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo Cô Tô. Kết thúc giai đoạn thí điểm, huyện sẽ đánh giá toàn diện, rút kinh nghiệm và hoàn thiện phương án để triển khai lâu dài và bền vững trong thời gian tới.

Trước đó, huyện Cô Tô đã tổ chức Lễ khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô năm 2025 với chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời”. Sự kiện là điểm nhấn mở đầu chuỗi hoạt động kích cầu du lịch của huyện Cô Tô trong năm 2025, đồng thời là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Với chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời”, chương trình khai mạc không chỉ là một đêm hội nghệ thuật rực rỡ sắc màu mà còn là lời chào đón nồng nhiệt, là lời mời gọi chân thành từ huyện đảo xinh đẹp tới du khách trong nước và quốc tế đến để cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ, con người thân thiện, và sự vươn mình mạnh mẽ của Cô Tô.
Năm 2025, ngành Du lịch Cô Tô đặt mục tiêu đón trên 300.000 khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 900 tỷ đồng, tăng về thời gian lưu trú, mức chi tiêu và doanh thu, thực hiện giảm thiểu tối đa rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Đặc biệt, quý II, quý III, huyện quyết tâm đón 270.000 lượt du khách. Riêng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, địa phương đã đón gần 35.000 lượt, các cơ sở lưu trú luôn trong tình trạng kín phòng, các bãi tắm, như: Hồng Vàn, Vàn Chảy hay các điểm đến nổi tiếng như bãi đá Móng Rồng, ngọn Hải đăng Cô Tô đều tấp nập du khách. Các dịch vụ ăn uống, mua sắm hoạt động sôi nổi. Du khách bày tỏ sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, sự thân thiện của người dân và cảnh quan thiên nhiên còn giữ được nét hoang sơ, yên bình.

Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện, để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch hè, các địa phương đã xây dựng kế hoạch du lịch bài bản, dự trù nhiều phương án. Các hoạt động bảo vệ môi trường được tổ chức thực chất, thường xuyên, liên tục, có đổi mới và có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, huyện tăng cường công tác xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng, vứt rác xuống biển, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ môi trường tại các điểm nóng.
Huyện cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty du lịch liên quan đến hồ sơ pháp lý và các vấn đề liên quan để phát triển các sản phẩm du lịch mới là thế mạnh của Cô Tô, nhất là mô hình kinh doanh các hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi thể thao giải trí trên biển. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, chủ trương để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, cơ sở hạ tầng; thủ tục pháp lý (phương tiện xe điện; tàu, xuồng; phòng cháy, chữa cháy) để du lịch phát triển đồng bộ, toàn diện.
Ý kiến ()