Nhân lực có tay nghề cao - Bắt đầu từ phá "rào" nhận thức
Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường Đại học đã công bố điểm chuẩn. Theo đó, bên cạnh niềm vui của những sĩ tử đã “vượt vũ môn” thành công, cũng có không ít bạn trẻ chưa đủ điểm bước vào cổng trường Đại học khi tham gia kỳ thi năm nay. Sẽ có người tiếp tục ôn luyện chờ kỳ thi năm sau, có người sẽ quyết định hướng đi mới cho tương lai. Nói như vậy bởi, không phải tất cả học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chỉ có một con đường là tiếp tục vào Đại học. Đây cũng chính là câu chuyện làm thầy hay làm thợ luôn được đem ra bàn luận trước và sau mỗi kỳ thi Đại học.
“Còn tư tưởng coi trọng bằng cấp” - đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao được chỉ rõ tại Chỉ thị số 37-CT/TW (ngày 6-6-2014) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Trên thực tế, điều này tồn tại ngay trong suy nghĩ của mỗi cá nhân, của chính các phụ huynh khi có con em chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Vẫn biết rằng, không chỉ bất cập ở yếu tố nêu trên mà còn các nguyên nhân khác như quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chồng chéo, công tác dự báo nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao chưa sát thực tế… song điểm mấu chốt vẫn phải là có nhận thức đúng.
Trong Nghị quyết (số 15-NQ/TU, ngày 9-6-2014) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã xây dựng mục tiêu: Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó đào tạo nghề 55%; đến 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 89%, trong đó đào tạo nghề 70%. Chưa phân tích sâu về các con số, chỉ nói ở góc độ nhận thức cho thấy, nhân lực chất lượng cao bao gồm cả đào tạo nghề. Do đó, nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên đối với phát triển nguồn nhân lực được đưa ra trong Chỉ thị 37 của Ban Bí thư, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều xác định số 1 là đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới và nâng cao nhận thức.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa tổ chức hội nghị để thảo luận và cho ý kiến đối với Đề án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030. Cùng với đó Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng vừa được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thông qua. Từ các định hướng chiến lược lớn nói trên thì các cấp uỷ, chính quyền, nhà trường, doanh nghiệp và mỗi gia đình cũng như bản thân người lao động sẽ xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm về việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có nhân lực tay nghề cao cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước.
Ngọc Lê
Ý kiến ()