ThS.BS Phạm Hồng Quảng, phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm nhập viện sau kỳ nghỉ Tết 2025. Trong đó, không ít trường hợp mắc cúm A nặng, đặc biệt là người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền phức tạp, khiến việc điều trị khó khăn.
Đơn cử, cụ bà 88 tuổi, nhập viện trong tình trạng ho khan, sốt cao 38-39 độ C kéo dài, ý thức chậm. Trước đó, bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng kháng sinh và thuốc long đờm nhưng không hiệu quả. Tại bệnh viện, bà được chẩn đoán mắc cúm A, suy hô hấp, viêm phổi, suy thận mạn, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, suy tim và bệnh thận mạn giai đoạn 3. Ngoài ra, bà còn có tiền sử cắt cụt 1/3 cẳng chân trái do bệnh động mạch ngoại biên.
"Đây là một ca bệnh nặng với nhiều bệnh nền phức tạp đồng nhiễm cúm A", bác sĩ Quảng chia sẻ. Ê kíp xây dựng phác đồ điều trị chi tiết, bao gồm thuốc kháng virus, kháng sinh, oxy liệu pháp, kiểm soát đái tháo đường và tăng huyết áp, kết hợp nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, cai được oxy và cải thiện chức năng tim, thận.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Cụ ông 83 tuổi, ở Hà Nội, tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường type 2, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục 39-39,5 độ C, ho, đau ngực và khó thở. Dù được điều trị bằng thuốc kháng virus và kiểm soát bệnh nền, tình trạng viêm phổi và suy hô hấp của ông vẫn tiến triển nặng, buộc phải thở máy tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Luân, Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những bệnh nhân cúm có bệnh nền thường gặp triệu chứng nặng hơn so với người khỏe mạnh. Virus cúm không chỉ gây viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim hay viêm não mà còn làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, dẫn đến các đợt cấp nguy hiểm.
"Khi virus tấn công, hệ miễn dịch được kích hoạt để ngăn chặn sự nhân lên của virus. Tuy nhiên, phản ứng viêm này lại khiến các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, hen phế quản trở nên khó kiểm soát hơn", bác sĩ Luân giải thích.
Cúm mùa thường bùng phát mạnh vào các thời điểm lạnh ẩm như tháng 1-2 hoặc 6-7. Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm hiện nay đang tăng nhẹ, chủ yếu do virus cúm A/H3N2, H1N1 và cúm B. Dù phần lớn các ca bệnh ở mức độ nhẹ, các bác sĩ vẫn cảnh báo nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc bệnh nền cần đặc biệt thận trọng.
Triệu chứng cúm A thường xuất hiện đột ngột, bao gồm sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho, đau họng, nghẹt mũi, đau đầu. Đối với người khỏe mạnh, các triệu chứng này thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng suy giảm, cúm A có thể gây viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Một số trường hợp nặng cần áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu như hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn bằng máy hoặc ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Đặc biệt, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng ở người cao tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, suy tim, suy thận hoặc ung thư, nguy cơ tử vong.
Ý kiến ()