![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phân tích, làm rõ vấn đề phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
Ngày 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Quang cảnh phiên thảo luận tổ.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2313296_quang_canh_phien_thao_luan_to_18441313.jpg)
Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần làm rõ các khái niệm trong dự thảo các luật; như khái niệm phân cấp, phân quyền với ủy quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải làm rất rõ, tránh tình trạng chung chung không rõ trách nhiệm. Về nội dung không tổ chức HĐND phải có những quy định cụ thể nhiệm vụ; đánh giá rõ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và chính quyền để có sự bố trí, sắp xếp hợp lý triển khai các nhiệm vụ.
![Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2313297_dai_bieu_nguyen_xuan_thang_uy_vien_bo_chinh_tri_giam_doc_hoc_vien_chinh_tri_quoc_gia_ho_chi_minh_chu_tich_hoi_dong_ly_luan_trung_uong_dbqh_tinh_quang__18445713.jpg)
Bên cạnh đó, đối với những thay đổi trong luật, dù một số vai trò đã chuyển về các bộ, ngành, những quyết sách cụ thể liên quan đến các vấn đề trọng điểm quốc gia phải có ý kiến của Thủ tướng nằm trong quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển chung của quốc gia, chứ không thể chỉ có bộ quyết định; phải giữ nguyên, giữ nghiêm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Chính phủ.
![Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2313298_dai_bieu_vu_hong_thanh_chu_nhiem_uy_ban_kinh_te_cua_quoc_hoi_dbqh_tinh_quang_ninh_phat_bieu_thao_luan_18453813.jpg)
Đồng quan điểm với nội dung về phân cấp phân quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Hồng Thanh cho rằng việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phải bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Đại biểu cũng cho rằng tại khoản 4, Điều 26 có quy định là hoạt động của Chính phủ và tính linh hoạt, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, theo đại biểu quy định này phải rõ ràng về nội hàm về Chính phủ số, Chính phủ điện tử đang như thế nào. Ví dụ như Chính phủ điện tử, Chính phủ số có hình thức như thế nào để trong quá trình hoạt động có thể linh hoạt xin ý kiến các thành viên Chính phủ để đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc nhanh nhưng vẫn phải đúng quy trình, đúng thủ tục.
![Đại biểu Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2313300_dai_bieu_vu_dai_thang_uy_vien_trung_uong_dang_bi_thu_tinh_uy_dai_bieu_quoc_hoi_tinh_quang_ninh_phat_bieu_thao_luan_18461213.jpg)
Bổ sung đối với nội dung phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho rằng, thực tiễn việc phân quyền, phân cấp chưa thực sự rõ ràng. Nội dung phân cấp cần có sự đồng bộ, điều này rất quan trọng. Đại biểu nhấn mạnh, nguyên tắc đã phân cấp là phân phương thức, phân cấp độ tổng thể, toàn diện, đồng bộ, tránh tình trạng đối với một vấn đề dù đã phân cấp xuống địa phương nhưng trong quá trình thực hiện liên quan đến các vấn đề khác lại phải xin ý kiến của các bộ, ngành để thực hiện. Đơn cử như việc triển khai dự án nhà trên 20 tầng, địa phương dù được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng vẫn phải lên Bộ Xây dựng xin ý kiến, rồi phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cũng phải lên Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), chứ Công an tỉnh không có thẩm quyền quyết định… Đại biểu cũng đề nghị luật cần xem xét, giải thích rõ ràng các thuật ngữ, dễ hiểu, dễ triển khai, tránh tình trạng chung chung.
Tại buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã tập trung cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Ý kiến ()