Ngư dân lên bờ vẫn gắn với ngư nghiệp
Đưa ngư dân lên bờ sinh sống nhưng vẫn bảo tồn và phát triển các làng chài trên Vịnh Hạ Long là một bài toán mà Quảng Ninh đang tìm lời giải hiệu quả nhất.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long được tỉnh giao xây dựng và thực hiện đề án về nội dung này. Cụ thể, tên đề án: “Bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014-2020”. Đề án đang được trình các cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định.
Đề án chỉ rõ, ngư dân được định cư trên bờ vẫn là chủ thể các hoạt động làng chài của mình. Hằng ngày ngư dân từ khu làng chài trên bờ tới làng chài trên Vịnh Hạ Long với tư cách là ngư dân làm du lịch, sản xuất gắn với hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài. Đây là cuộc chuyển đổi vì đảm bảo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân, hướng ngư dân vào hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, vì sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh. Cuộc chuyển đổi này rất cần một chính sách thiết thực, sự quan tâm của xã hội đối với ngư dân vốn chỉ quen với cuộc sống trên Vịnh Hạ Long. Đề án nói trên là một trong những giải pháp để ổn định việc đưa ngư dân Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống.
Trong đề án nói trên, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 4 làng chài và khu tái định cư trên bờ như sau:
Làng chài Ba Hang - mô hình làng chài gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, trải nghiệm trồng rừng; chèo đò đưa khách tham quan; cho thuê kayak; bán hàng lưu niệm.
Làng chài Hoa Cương - mô hình làng chài nuôi cá lồng bè, chợ hải sản; giới thiệu kỹ thuật nuôi trồng hải sản; cung cấp vật tư nuôi trồng hải sản; dịch vụ ăn uống.
Làng chài Cửa Vạn - mô hình làng chài tự quản gắn với Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn; khám phá không gian sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hoá làng chài; dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan làng chài, tham quan hệ sinh thái rừng, hệ thống tùng áng của Vịnh Hạ Long; leo núi, xem động vật trên núi (khỉ).
Làng chài Vông Viêng - mô hình làng chài tự quản, đánh bắt hải sản bằng công cụ truyền thống, trải nghiệm cuộc sống ngư dân; dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan làng chài; tham quan nuôi trồng hải sản đặc biệt (nuôi trai lấy ngọc), bán đồ trang sức ngọc trai; giới thiệu du khách các nghề truyền thống và ngư cụ truyền thống; du lịch trải nghiệm “Đánh cá cùng ngư dân”.
Khu tái định cư Cái Xà Cong (khu ngư dân từ Vịnh Hạ Long định cư trên bờ): Tham quan mô hình làng chài tái định cư; dịch vụ bán hải sản, đồ lưu niệm, thủ công; thưởng thức ẩm thực làng chài...
Như vậy, việc đưa ngư dân Vịnh Hạ Long lên bờ định cư không hề tách hẳn ngư dân với ngư nghiệp, mà điều kiện sống cũng như công việc được tổ chức lại cho tốt hơn, gắn với sự bảo tồn và phát huy các giá trị của Vịnh Hạ Long, trong đó có giá trị từ làng chài trên Vịnh Hạ Long.
Đề án bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long là nội dung quan trọng được xây dựng đồng thời với đề án đang phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn Quảng Ninh. Đây là những đề án nhằm cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Hội đồng thẩm định thông qua.
Nguyên Đan
Ý kiến ()