
Nghịch lý về hàng giả và danh tiếng thật của người nổi tiếng
Liên tiếp những vụ việc về hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật vẫn đang được phanh phui...
Người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực thường được mời tham gia quảng cáo sản phẩm. Các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung trở thành những gương mặt ăn khách hơn cả bởi họ có thương hiệu cá nhân tốt, độ phủ sóng cao và có tệp khán giả ủng hộ riêng. Tuy nhiên, không ít người trong số họ quảng cáo sai sự thật, bán mặt hàng liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, sữa, kẹo giảm cân nhưng chất lượng kém khiến dư luận bức xúc.
Vợ chồng Đoàn Di Băng đang bị thu hồi kem chống nắng vì chỉ số chống nắng thấp hơn hẳn so với chỉ số ghi trên bao bì. Trước đó, dầu gội đầu của công ty cũng bị thu hồi.
Trong ồn ào gần 600 loại sữa giả bị phát hiện, ít nhất 5 nghệ sĩ/người nổi tiếng bị "réo tên" vì thổi phồng công dụng sản phẩm.
Với vụ án kẹo rau củ Kera, Thùy Tiên, Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục là 3 trong số nhiều người bị bắt tạm giam để điều tra.
Chỉ bằng câu nói "tôi đã sử dụng và thấy hiệu quả", "sản phẩm này rất phù hợp với những người bận rộn như tôi" và gắn giỏ hàng, những "chiến thần livestream" có thể thu hút hàng nghìn lượt xem và chuyển đổi thành mua sản phẩm.
Đến khi những vụ việc này bị phát hiện và xử lý, người quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính, nhưng số lượng sản phẩm đã tiêu thụ có thể lên đến con số hàng trăm nghìn.

Lý giải về thực tế khán giả Việt dễ tin vào những sản phẩm có nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, chuyên gia truyền thông Lê Thơm - Giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công - cho rằng uy tín xã hội và tâm lý đám đông là những yếu tố phổ biến trong văn hóa tiêu dùng Á Đông.
"Khi một hoa hậu, ca sĩ hay TikToker được yêu mến giới thiệu sản phẩm, công chúng thường gán cho sản phẩm đó độ tin cậy, bất chấp việc người nổi tiếng không có chuyên môn liên quan hay thiếu kiểm chứng độc lập.
Tâm lý bị khai thác ở đây là hiệu ứng hào quang, nơi một cá nhân nổi bật ở lĩnh vực A được tin tưởng cả trong lĩnh vực B, dù hoàn toàn không liên quan.
Cùng với đó, mạng xã hội trở thành môi trường lý tưởng để khuếch đại tâm lý đám đông và lan truyền cảm xúc, khiến hành vi tiêu dùng mang tính cảm tính nhiều hơn là lý trí. Trong bối cảnh đó, người nổi tiếng dù vô tình hay chủ ý trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả nhưng đầy rủi ro, đặc biệt khi thiếu sự kiểm soát nội dung và đạo đức nghề nghiệp".
Chính Thùy Tiên cũng thừa nhận tại cơ quan điều tra rằng cô có trách nhiệm rất lớn vì bản thân là người nổi tiếng, cho nên "mọi người sẽ vì mình mà mua sản phẩm này rất nhiều".
Câu trả lời của Thùy Tiên cho thấy nghịch lý trong hoạt động quảng cáo. Cô nổi tiếng, được săn đón, có nhiều hợp đồng quảng cáo là nhờ có danh tiếng trên mạng xã hội, nhưng đồng thời sụp đổ sự nghiệp vì không ý thức được trách nhiệm xã hội của bản thân.
Chuyên gia Lê Thơm đánh giá, mạng xã hội là môi trường và công cụ, còn việc một cá nhân được tôn vinh thành “thần tượng” hay bị dư luận quay lưng không hoàn toàn do mạng xã hội định đoạt, mà là kết quả của sự tương tác giữa mạng xã hội - công chúng - hành vi thực tế của cá nhân đó.
Vì vậy, dư luận sẽ chỉ trích những nhân vật thiếu nhất quán giữa hình ảnh công bố, danh tiếng có được và hành động thực tế. Họ không tôn trọng khán giả và người tiêu dùng như cách họ từng hứa hẹn.
Ý kiến ()