
Lan tỏa giá trị toàn cầu của Khu di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử
Trong huyết mạch địa linh đất Việt, Yên Tử được coi là "phúc địa thứ 4 của Giao Châu", là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam, nơi khởi nguồn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đặc biệt, Yên Tử đã trở thành địa điểm được cung nghinh và tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Quốc bảo thiêng liêng của Ấn Độ. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu cột mốc lịch sử, khi hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ được bảo vệ tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp vào tháng 7 sắp tới.
Yên Tử từ lâu đã được coi là cội nguồn tâm linh của bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Dân gian ta vẫn lưu truyền câu ca dao: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông. Sau 2 lần lãnh đạo quân, dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thắng lợi (năm 1285 và 1288), Ngài đã truyền ngôi báu cho con, từ bỏ lầu son, điện ngọc về chốn hoang liêu này để tu hành, giác ngộ Phật. Ngài sáng lập và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm bản sắc Việt, với mong muốn xây dựng một quốc gia hạnh phúc, đoàn kết và hướng thiện.
Có thể thấy, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) là nơi hình thành, ra đời và phát triển của trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Trong đó, hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng ở Khu di tích - danh thắng Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư.

Các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm từ đây cũng được nhiều thế hệ nối tiếp kế thừa, ngày một phát triển, lan tỏa tới nhiều vùng, miền trong cả nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới cho tới ngày nay.
Hiện Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, mà còn là niềm tự hào của Việt Nam. Điều đó không chỉ góp phần khẳng định những giá trị trường tồn của Yên Tử trong lịch sử dân tộc, mà còn vươn tầm mở rộng hơn, là một câu chuyện di sản của toàn nhân loại.

Từ ngày 25-28/5, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Quốc bảo thiêng liêng của Ấn Độ được tôn trí tại Cung Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí). Qua đó, đã tạo nên một sự kết nối tương thông giữa Phật giáo Ấn Độ với Phật giáo Việt Nam, giữa Phật Thích Ca với Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đức Phật đã để lại một tinh thần lớn của một đấng giác ngộ với đức từ bi và trí tuệ. Và Phật hoàng Trần Nhân Tông đã làm cho người dân Việt Nam tiếp thu Phật giáo theo một cách đặc biệt. Ngài tiếp biến các tư tưởng và tinh thần của Phật tổ theo phong tục, tập quán, lễ nghi, văn hóa Việt Nam… trở thành một tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thượng tọa Bhante Pelwatte Seewalee Thero, Tổng Thư ký Hội Maha Bodhi (Đơn vị bảo quản xá lợi Đức Phật) đánh giá: Cả Đức Phật Thích Ca và Phật hoàng Trần Nhân Tông đều có tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, vô ngã vị tha. Cả hai vị có tâm nhân đạo vĩ đại, vì lợi ích của chúng dân, của dân tộc mà xuất gia tu đạo. Vì vậy, nhân loại đều tôn kính, tôn thờ và tôn vinh. Hoạt động xá lợi Đức Phật được tôn trí tại Cung Trúc Lâm Yên Tử là hoạt động vô cùng ý nghĩa, hướng người dân đến cái thiện, sống trọn vẹn theo đạo, cầu mong hòa bình cho nhân loại.

Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn trí tại Cung Trúc Lâm Yên Tử không chỉ là sự kiện tâm linh trọng đại, mang lại niềm tin tâm linh, lan tỏa thông điệp từ bi, hòa bình đến mọi người, mà còn là dịp giao lưu văn hóa, khẳng định mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa 2 quốc gia Việt Nam và Ấn Độ. Bởi từ hàng nghìn năm qua, mới chỉ có 4 quốc gia được may mắn rước xá lợi Phật đến tôn trí và Việt Nam là quốc gia thứ 4. Dự kiến, sự kiến sẽ thu hút khoảng 1 triệu phật tử, người dân và du khách đến chiêm bái xá lợi Đức Phật. Qua đó, cho thấy niềm tin của đông đảo người dân đối với đạo Phật là rất mạnh mẽ và rộng lớn. Việc chiêm bái xá lợi Phật không chỉ là nghi lễ linh thiêng, mà còn là cơ hội sâu sắc để kết nối mọi người với chân lý và lòng thành tín.
Sự kiện sẽ là bước đệm mạnh mẽ để Việt Nam củng cố các tài liệu, bảo vệ thành công hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp diễn ra vào tháng 7 sắp tới. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Việc tôn trí xá lợi Đức Phật ở đây giúp tăng ni, phật tử, nhân dân hiểu rõ những giá trị đặc biệt của Phật giáo Trúc lâm Yên Tử có nhiều điểm tương đồng với Phật giáo thế giới, là động lực để tăng ni, phật tử, nhân dân noi gương, học tập, thực hiện lời dạy của Đức Phật, Phật Hoàng. Từ đó, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, một thế giới hòa bình, đất nước thịnh vượng. Đồng thời, lan tỏa hình ảnh Yên Tử là điểm tâm linh linh thiêng, có giá trị nhiều mặt, để tạo thêm sức nặng cho hồ sơ đề cử Di sản thế giới.
Với vị thế là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm tinh thần nhập thế và trí tuệ dân tộc, Yên Tử đang “đứng trước ngưỡng cửa” trở thành Di sản thế giới và Quảng Ninh sẽ có cơ hội sở hữu di sản thế giới thứ hai với loại hình di sản văn hóa trong tương lai. Những sự kiện trọng đại như lễ cung rước Xá Lợi Đức Phật góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần của Phật giáo, đồng thời quảng bá Yên Tử như trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh hàng đầu trong khu vực. Đây cũng là minh chứng sinh động cho sức sống trường tồn của một di sản và cho hành trình hội nhập văn hóa - tâm linh Việt Nam với thế giới.
Ý kiến ()