
Cơ hội phát triển du lịch văn hóa tâm linh từ sự kiện chiêm bái xá lợi Phật
Sự kiện chiêm bái xá lợi Phật tại Yên Tử từ ngày 25 đến 28/5/2025 đã thu hút hơn 1 triệu lượt phật tử và du khách thập phương, tạo nên dấu ấn đặc biệt cho du lịch văn hóa tâm linh tại Quảng Ninh. Nhất là trong bối cảnh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đứng trước cơ hội trở thành Di sản thế giới, Yên Tử một lần nữa đã khẳng định là “mốc son” trong bản đồ du lịch văn hóa tâm linh của khu vực và quốc tế.
Trong giáo lý nhà Phật, xá lợi không chỉ là di vật còn lưu lại của Đức Phật hay các bậc Thánh Tăng, mà còn là biểu trưng cho giới, định, tuệ – ba nền tảng căn bản trong con đường tu tập. Sự hiện diện của xá lợi Phật đã mang lại niềm tin tâm linh, lan tỏa thông điệp từ bi, hòa bình đến mọi người. Là sự kiện tâm linh có ý nghĩa đặc biệt, dòng người từ khắp nơi trong cả nước đã nối dài suốt từ sáng sớm đến tối muộn vào Cung Trúc Lâm Yên Tử để chiêm bái xá lợi Phật.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, cho biết: Từ hàng nghìn năm qua, mới chỉ có 4 quốc gia được may mắn rước xá lợi Phật đến tôn trí và Việt Nam chúng ta là quốc gia thứ 4. Trong suy nghĩ của tôi, sự kiện Đại lễ VESAK Liên hợp quốc 2025 tổ chức tại Việt Nam đã mở ra nhiều nhân duyên lớn. Trong đó, nhân duyên lớn nhất là Quảng Ninh được rước xá lợi Phật Thích Ca – Bảo vật Quốc gia Ấn Độ đến tôn trí tại Cung Trúc Lâm Yên Tử. Xá lợi được rước về Yên Tử-nơi được sử sách lưu danh với tên gọi “miền đất Phật” hay “kinh đô của Phật giáo Việt Nam” là một cuộc gặp gỡ đặc biệt, tạo nên một sự kết nối tương thông giữa Phật giáo Ấn Độ với Phật giáo Việt Nam, giữa Phật Thích Ca với Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Miền đất Phật Yên Tử từ lâu đã nổi tiếng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh. Đặc biệt, Yên Tử là nơi gắn bó thiên nhiên cảnh quan đặc sắc với khu Di tích tâm linh độc đáo gồm hệ thống chùa chiền, am, tháp chứa đựng giá trị quý giá về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc của các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân và du khách chiêm bái xá lợi Đức Phật tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã giảm 50% giá vé cáp treo cho du khách và nhân dân lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng trong 3 ngày (từ ngày 26-28/5). Do đó, trong hơn 1 triệu lượt người về chiêm bái xá lợi Phật, đã có hàng trăm nghìn lượt người đã nối dài hành trình của mình thông qua việc khám phá, tham quan các danh lam, di tích tại Yên Tử.

Bà Nguyễn Thị Hiền, du khách Hà Nội, chia sẻ: Gia đình tôi đã xếp hàng khá lâu để có thể tận mắt nhìn thấy xá lợi Phật. Với tôi, đây là cơ hội chỉ có một trong đời và tôi thấy mình thật sự có duyên với vùng đất này. Sau lễ chiêm bái, gia đình tôi cũng đã dành thêm thời gian 1 ngày để ở lại khám phá những nét độc đáo, đặc sắc tại Di tích danh thắng Yên Tử như đường tùng cổ, chùa Hoa Yên, chùa Đồng và trải nghiệm những dịch vụ của người dân tộc Dao nơi đây.
Đón nhận cơ hội từ sự kiện chiêm bái xá lợi Phật mang lại, ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chia sẻ: Hiện, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã đầu tư chuỗi cơ sở vật chất, dịch vụ rộng gần 20 ha, như Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, Am Tuệ Tĩnh chăm sóc sức khỏe; Sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội; hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, công suất gấp gần 10 lần so với năm 2002… Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa dân tộc, ẩm thực địa phương để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách. Việc xá lợi Phật được tôn trí tại Cung Trúc Lâm Yên Tử là phước báu nghìn năm có một đối với chúng tôi. Từ lực hấp dẫn của xá lợi Phật mang đến cho Yên Tử, ngay sau sự kiện này, chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch cụ thể để xây dựng những sản phẩm phát triển văn hóa tâm linh gắn với cuộc đời của Đức Phật Trần Nhân Tông và Phật Thích Ca Mâu Ni trong câu chuyện xây dựng bảo tàng Phật giáo, bảo tàng Trần Nhân Tông hay bảo tàng về Yên Tử rồi không gian các làng văn hoá dưới chân Yên Tử. Việc cải tiến những sản phẩm đã có và xây dựng sản phẩm mới là cách để Tùng Lâm chung tay góp phần gìn giữ giá trị di sản của Yên Tử.

Theo thống kê, mỗi năm, Yên Tử thu hút khoảng 1 triệu khách hành hương về tham quan, lễ Phật và trải nghiệm trên vùng đất Phật linh thiêng này. Thế nhưng chỉ trong 4 ngày (25-28/5), lượng khách đổ về Yên Tử để chiêm bái xá lợi Phật đã lên tới trên 1 triệu lượt. Sự kiện là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của du lịch văn hóa tâm linh trong đời sống hiện nay. Điều đáng nói là không chỉ Yên Tử, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh xác định là một loại hình góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng, 466 di tích kiểm kê và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc.
Từ sức hút của sự kiện chiêm bái xá lợi Phật cho thấy, đây là cơ hội vàng để Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa tâm linh thường xuyên sẽ tạo nên điểm nhấn, nâng cao hình ảnh du lịch Quảng Ninh trên bản đồ du lịch quốc tế. Do đó, sau sự kiện chiêm bái xá lợi Phật tại Yên Tử, tỉnh cần tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp bảo tồn di sản với phát triển kinh tế. Đây không chỉ là hướng đi bền vững mà còn là cơ hội để tỉnh nhà khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Ý kiến ()