
Mua sắm online: Lợi ích và rủi ro
Mua hàng trực tuyến là một hình thức mua sắm tiện lợi và phổ biến hiện nay. Với nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, tiện lợi và đa dạng sản phẩm, việc mua hàng trực tuyến đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, người mua hàng cần tỉnh táo lưu ý đến những rủi ro và nhược điểm của việc mua sắm online như mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo khi gian lận mua bán trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.
Mất tiền thật, nhận hàng ảo
Anh Hoàng Trần Thành, phường Hà Phong (TP Hạ Long) là một người thường xuyên mua hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử lớn vì sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây, anh liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi giả danh nhân viên giao hàng.
Anh Thành chia sẻ: Tôi không hiểu sao họ lại biết tôi đang chờ đơn hàng. Họ gọi đúng lúc tôi hoặc người nhà đang bận, thông báo hàng đã đến và yêu cầu chuyển khoản trước hoặc ra nhận ngay. Một lần, do đang bận nên tôi vội vàng chuyển tiền, sau đó họ còn dụ tôi nhấp vào đường link để xác nhận đơn hàng. May mà lúc đó tôi kịp tỉnh táo, không thì mất nhiều hơn số tiền nhỏ ban đầu. Nhưng cũng có người quen của tôi ở Cẩm Phả bị lừa mất gần 2 triệu đồng theo kiểu này.

Theo đó, thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo giả danh người giao hàng thường sẽ gọi đến vào khoảng thời gian giờ hành chính là thời điểm khách hàng bận rộn với công việc cơ quan dễ mất cảnh giác nhất. Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết, tháng 1/2025, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của chị S (tên nạn nhân đã được thay đổi), (SN 1991, trú tại TX Quảng Yên) về việc chị bị đối tượng giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, cuối tháng 12/2024, chị S nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0353709963, giới thiệu tên là Tài, làm shipper và thông báo chị có đơn hàng thuốc trị mụn trị giá 260.000 đồng. Tin tưởng đối tượng, chị S đã nhờ mẹ chồng là bà M, cùng trú tại TX Quảng Yên chuyển khoản số tiền trên đến tài khoản 9379403691 mang tên Nguyen Van Dat do đối tượng cung cấp. 2 ngày sau, Tài gọi điện cho chị S thông báo gửi nhầm số tài khoản của Công ty Giao hàng tiết kiệm. Số tiền 260.000 đồng chị S chuyển được coi là tiền đăng kí hội viên và chị S đã trở thành hội viên nên Tài bị đình chỉ làm 1 tuần và nhờ chị S làm thủ tục hủy thẻ hội viên giúp. Ngay sau đó, một đối tượng tự xưng là chủ kho liên hệ với chị S để hỏi về sự việc rồi hướng dẫn chị làm thủ tục hủy thẻ hội viên. Đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như, yêu cầu đóng tiền phí phạt, yêu cầu nộp tiền đảm bảo, thông báo chuyển tiền sai cú pháp để yêu cầu chị S chuyển tiền nhiều lần đến nhiều tài khoản với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng sau đó chiếm đoạt số tiền trên. Khi biết mình bị lừa đảo, chị S đã đến Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Ninh) để trình báo.
Theo phòng Cảnh sát hình sự, giả danh nhân viên giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người dân do thiếu cảnh giác nên đã trở thành nạn nhân của các đối tương, nhiều trường hợp đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Cũng là một “tín đồ” của mua sắm online, chị Nguyễn Thị Chung, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) thường xuyên mua hàng qua các chương trình livestream và quảng cáo trên mạng xã hội. Thế nhưng, trải nghiệm của chị không phải lúc nào cũng suôn sẻ. “Tôi từng đặt mua một chiếc túi xách qua livestream, hình ảnh quảng cáo rất đẹp, nhưng khi nhận hàng thì màu sắc và chất liệu hoàn toàn khác. Khi tôi phản ánh, họ không những không đổi trả mà còn phớt lờ, thậm chí chặn luôn tài khoản của tôi. Giờ mỗi lần mua hàng online, tôi cũng đắn đo hơn vì chẳng biết thực hư thế nào và thường chọn mua những món đồ có giá trị vừa phải” - chị Chung cho biết.
Ngày nay, việc bán hàng mua hàng qua hình thức livestream (tạm dịch: Phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng thu hút được đông đảo sự quan tâm từ người mua. Với thế mạnh và sự phát triển vượt trội của các sàn thương mại điện tử và nhu cầu mua sắm nhanh chóng các mặt hàng, việc bán hàng livestream thực tế đã trở thành một ngành công nghiệp cực phát triển, và là cơ hội cho nhiều người làm nghề livestream bán hàng phát triển. Lướt trên các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực livestream bán hàng. Thậm chí nhiều phiên live đã đạt kỉ lục hàng tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Những ngày qua, thông tin về vụ việc người nổi tiếng livestream, quảng cáo bán hàng sai sự thật đã làm dậy sóng các trang mạng xã hội. Qua các kênh bán hàng livestream, rõ ràng người tiêu dùng đưa ra quyết định đặt hàng, chốt đơn với niềm tin những nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL, KOC (thuật ngữ chỉ những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội) sẽ chỉ hợp tác với các nhãn hàng lớn với những sản phẩm chất lượng, song thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Rất nhiều sản phẩm được bán ra, song chính những người nổi tiếng chưa từng sử dụng hay trải nghiệm sản phẩm, thậm chí không nắm được đầy đủ các thông tin về thành phần, nguồn gốc xuất xứ, công dụng sản phẩm… mà chỉ quảng cáo, giới thiệu theo kịch bản được chuẩn bị sẵn.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Một khảo sát của McKinsey & Company cho thấy, từ năm 2023 đến hết tháng 1/2025, 70-80% người tiêu dùng bắt đầu thử nghiệm mua sắm trực tuyến, trong đó, nhiều người lần đầu tiên sử dụng loại hình mua sắm này. Mặc dù mua sắm qua hình thức trực tuyến, online có nhiều tiện lợi khi tiết kiệm thời gian, hàng hóa phong phú, giá cả cạnh tranh… Song có không ít người tiêu dùng vẫn băn khoăn bởi hình thức này cũng có hạn chế là không thể trực tiếp thử, không thể kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, việc giao hàng cũng phải chờ đợi… Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp “tiền mất tật mang” khi nhận phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Vì vậy, khi mua hàng online, người tiêu dùng nên thận trọng với những món hàng rẻ hơn giá trị thật của nó. Có thể có khuyến mãi hay giảm giá, nhưng hãy luôn nhớ hỏi kỹ thông tin sản phẩm. Yêu cầu cửa hàng phải cung cấp thông tin rõ ràng về các vấn đề phát sinh và cách xử lý khi tiến hành giao dịch, đặc biệt là các vấn đề như bảo hành, trả hàng, hoàn tiền… Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thị trường cũng khuyến cáo không nên chuyển số tiền quá lớn khi chưa nhận hàng. Sau khi nhận hàng, người mua nên lưu lại thông tin như mã xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán… phòng khi có thất thoát hoặc nhầm lẫn nào đó.
Có một điều hết sức thận trọng khi mua hàng online, đó là người mua cần chú ý bảo mật các thông tin cá nhân của mình. Nếu bên bán đòi cung cấp mã pin, mã OTP ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch, hãy lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra. Bởi đây hoàn toàn có thể là dấu hiệu của những hành vi lừa đảo.

Trong quá trình toàn cầu hóa thông tin, hình thức livetream và thương mại điện tử giờ đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xã hội. Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro, thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Ðặc biệt, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; đồng thời bảo đảm quyền cơ bản của người tiêu dùng, nhất là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
Vì vậy, cùng với sự tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng online của các cơ quan chức năng, trước tiên mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình khi mua sắm online bằng cách chủ động nâng cao hiểu biết về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, lựa chọn nền tảng mua sắm, đơn vị vận chuyển an toàn. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không tiếp tục làm theo yêu cầu của các đối tượng, đồng thời thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý theo quy định.
Ý kiến ()