
Mạnh tay loại trừ rác thải nhựa
Một trong những vấn đề nhức nhối về môi trường mà các quốc gia đang đau đầu giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra hằng ngày. Cũng theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như ở Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Như vậy, trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Quảng Ninh là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn so với dự báo, điều này dẫn đến sự biến động lớn về dân số tại các đô thị, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của đô thị tăng so với dự báo và chênh giữa chất thải rắn đô thị và nông thôn cũng khá lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trên 1.100 tấn/ngày, tổng lượng chất thải rắn được thu gom và xử lý là 1.054 tấn/ngày, đạt 93%. Theo tính toán, dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, dịch vụ - thương mại, nông thôn phát sinh tại các đô thị của Quảng Ninh đến năm 2050 khoảng 990.670 tấn, chất thải rắn phát sinh tại các KCN khoảng 2,5 triệu tấn. Cùng với đó, hằng năm lượng khách du lịch tập trung về Quảng Ninh cũng gia tăng đã dẫn đến khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hằng năm lớn, gây áp lực đến khả năng thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Theo số liệu điều tra của các cơ quan chuyên môn cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được thiết kế theo tiêu chuẩn bao gồm: Bãi chôn lấp chất thải rắn tại Hà Khẩu; bãi chôn lấp chất thải rắn Đèo Sen; bãi rác Quang Hanh; nhà máy xử lý và bãi chôn lấp Quảng Nghĩa; khu xử lý và chôn lấp chất thải rắn Khe Giang. Ngoài ra, cũng có một số lò đốt rác công suất nhỏ đã được đầu tư đối với vùng nông thôn, vùng sâu của tỉnh như lò đốt Nfi-05 công suất 120-450kg/h tại thôn Khe Hố, huyện Ba Chẽ, là nơi riêng biệt, cách xa khu dân cư. Tại các bãi rác, các điểm tập kết rác, chúng ta đều thấy những túi nilon, hộp, chai nhựa nhiều vô kể. Điều này đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với môi trường sống quanh ta.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bãi chôn lấp rác được hình thành theo kiểu tự phát, chưa được quy hoạch, không đạt các tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành. Các bãi rác không có hệ thống phân loại, tái chế; không có hệ thống lót đáy, hệ thống xử lý nước rác; hệ thống thoát khí cũng không có lớp phủ. Một số bãi rác dùng vôi bột trộn đất để phủ nhưng không đạt yêu cầu chất lượng. Mặt khác, khoảng cách các bãi chôn lấp này không đảm bảo cách ly với khu dân cư. Vì vậy, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí cho các khu dân cư sinh sống xung quanh.
Do đó, để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa hiện nay, Nhà nước cần có những chính sách mạnh tay, đánh thuế cao hơn nữa đối với các cơ sở sản xuất và cả người sử dụng túi nilon. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của túi nilon với môi trường nhằm hạn chế sử dụng cần được triển khai một cách hệ thống trên phạm vi rộng.
Nguyên Lâm
Ý kiến ()