![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Lễ hội đình Lộ Phong
Được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2015, đến nay, đình Lộ Phong đã chính thức tổ chức được 2 kỳ lễ hội đầu năm. Đây là lễ hội đình quan trọng, đặc sắc, không chỉ thể hiện tín ngưỡng, phong tục tập quán mà còn thể hiện sự quan tâm trong việc khôi phục các giá trị văn hoá, bản sắc của cộng đồng người Sán Dìu trên địa bàn TP Hạ Long.
Đình làng Lộ Phong (khu 3, phường Hà Phong, TP Hạ Long) là di tích lịch sử văn hóa đã gắn liền với cộng đồng người dân tộc Sán Dìu tại đây hơn 300 năm. Trong lịch sử, đình đã hai lần được nhận sắc phong, đó là vào năm 33 đời vua Tự Đức (năm 1878) và năm Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887).
![faf](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309967_faf_16513204.jpg)
Lễ hội đình Lộ Phong được tổ chức gắn liền với di tích đình Lộ Phong, được tổ chức thường niên, mỗi năm có 2 lễ hội là lễ hội Cầu an và lễ hội Cầu mùa. Lễ hội Cầu an (tiếng Sán Dìu gọi là Khíu Phình On) được tổ chức vào đầu năm, từ mùng 5 đến rằm tháng Giêng. Lễ hội Cầu mùa (tiếng Sán Dìu gọi là Xịt Nhọt Thai Khíu) được tổ chức từ ngày 10 đến rằm tháng 7 hằng năm.
Sau lần đầu được tổ chức năm 2024, năm nay là năm thứ 2 đình làng Lộ Phong tổ chức lễ hội Cầu an đầu năm trong hai ngày 6-7/2 (tức 9-10 tháng Giêng). Lễ hội là hoạt động thể hiện nét đặc sắc văn hoá, tín ngưỡng còn được cộng đồng người Sán Dìu ở làng Lộ Phong lưu giữ.
Lễ hội năm nay được tổ chức trọng thể với các hoạt động khai mạc lễ hội, múa rồng lân, dâng hương của lãnh đạo và người dân địa phương. Một trong những hoạt động quan trọng là nghi lễ cúng tế được các thầy cúng tiến hành trọng thể. Trong đó, lễ cầu an là phần nghi lễ quan trọng nhất. Các nghi lễ được thực hiện trong đình, ngoài sân đình và các miếu thờ 5 vị thần trấn giữ 5 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm). Thông thường, lễ cầu an được thực hiện công phu và qua đầy đủ các công đoạn, kéo dài hơn nửa ngày.
![faf](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309968_faf_16521504.jpg)
Trong buổi lễ, người làm lễ viết sớ, đọc rồi đốt sớ, làm thủ tục “bắc cầu” thỉnh, mời Phật, chư vị linh thần về chứng lễ, xua đuổi tà ma ra biển, không làm phiền đến cuộc sống của dân làng. Theo đó, các thầy cúng làm lễ dâng hương các vị thần trong điện thờ, như: Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương...
Ngoài ra, còn làm các lễ trọng với các vị thần khác theo tâm thức của người Sán Dìu ở Hà Phong, như: Phó Thống Trương Tiên Nhất Lang Đại Vương, Tài Chủ Phúc Nhâm Lam Thắng Minh Đại Vương, Thủy Khẩu Tướng Chủ Phòng Cảnh Lão Gia Đại Vương, Lê Thánh Đại Vương... vốn là những người tài giỏi, có công với dân làng lại chết vào giờ thiêng nên được dân làng thờ cúng.
Không chỉ vậy, trong lễ cầu an còn có lễ tạ long mạch của đình, thiên thần, thổ địa phù hộ bà con nhân dân, lễ dựng cây nêu… Theo các cụ cao niên là các thầy cúng có uy tín trong cộng đồng người Sán Dìu ở làng Lộ Phong thì các nghi lễ đều được thực hiện công phu, theo đúng phong tục, tập quán, gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng người Sán Dìu ở địa phương.
![faf](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309969_faf_16540404.jpg)
Bên cạnh phần lễ, phần hội đình làng Lộ Phong cũng đa dạng. Năm nay, lễ hội có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi động diễn ra suốt 2 ngày lễ hội, gồm văn nghệ, các môn thể thao truyền thống như ném còn, nhảy bao bố, kéo co, múa sạp... Năm nay, lễ hội còn có phần thi chế biến các món ăn đặc trưng của người Sán Dìu như bánh tài - nồng ệp, bánh bạc đầu...
Theo Ban Quản lý đình Lộ Phong thì lễ hội đình ngày càng được quan tâm phục dựng, bổ sung đầy đủ các nghi lễ, hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc mang đặc trưng văn hoá, phong tục người Sán Dìu ở địa phương. Trong thời gian tới, sẽ đặc biệt quan tâm khôi phục tổ chức các hoạt động mang bản sắc của người Sán Dìu như: Thi chế biến các món ăn đặc trưng của người Sán Dìu, tổ chức thi, giao lưu hát soọng cô với các CLB ở các địa phương khác...
Ý kiến ()