Tôn vinh nét đẹp văn hóa ngày xuân
Mùa xuân luôn gắn liền với những lễ hội truyền thống của người Việt, trở thành nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc với đông đảo người dân, chứa đựng những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Chính vì vậy, nhiều năm qua, việc giữ gìn, bảo vệ, tôn vinh, phát triển các giá trị văn hóa lễ hội luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, góp phần xây dựng nếp sống văn minh lễ hội trong cộng đồng.
Đến thời điểm này thì nhiều lễ hội truyền thống dịp đầu xuân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí), hội xuân Ngọa Vân (TP Đông Triều), lễ hội đền Cặp Tiên (TP Cẩm Phả), lễ hội đình Làng Dạ (huyện Ba Chẽ), lễ hội Đồng Đình (huyện Tiên Yên)…
Nhiều năm nay, Quảng Ninh luôn được đánh giá là điểm sáng trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội nói chung, nhất là lễ hội mùa xuân. Theo đó, bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành văn hóa, các địa phương đều thực hiện nghiêm túc, bài bản trong khâu tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, văn minh, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Phần lớn không gian các đền, chùa, cơ sở thờ tự đến không gian tổ chức các lễ hội đều bảo đảm sạch đẹp, an toàn; các yếu tố truyền thống được bảo tồn, giữ gìn đảm bảo thuần phong mỹ tục của dân tộc; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường; người dân và du khách cơ bản chấp hành tốt quy định tại các điểm thờ tự.
Ghi nhận tại chùa Long Tiên hay đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), tuy không phải các đền, chùa quy mô lớn, lượng người đến tham quan, chiêm bái những ngày Tết lại khá đông, song không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Các đền, chùa đều bố trí lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tuân thủ quy định trong việc dâng đồ lễ, khấn vái, đốt vàng mã đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.
Ông Nguyễn Văn Thơ (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: Đi lễ đền, chùa ngày xuân là nét đẹp văn hóa, vì vậy mỗi lời nói, hành vi của mình cần đúng mực, chấp hành đúng quy định ở những nơi thờ tự để phù hợp với không khí linh thiêng, trang trọng tại đây. Mặt khác, tôi nghĩ ngay trong mỗi gia đình cũng rất cần sự bảo ban, làm gương của người lớn để giới trẻ có được nhận thức và hành vi đúng đắn khi đi lễ đảm bảo văn minh, lịch sự.
Tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên những ngày đầu xuân cũng được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp tạo nên một không gian văn hóa tâm linh vừa trang trọng, linh thiêng vừa rộn ràng, náo nức cho nhân dân và du khách về du xuân, trẩy hội. Ban Quản lý Khu di tích đã phát loa thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách trong việc giữ gìn di tích và cảnh quan xung quanh. Lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông túc trực 100%, kịp thời xử lý phát sinh.
Là địa bàn trọng điểm tổ chức lễ hội xuân của tỉnh với hội xuân Yên Tử kéo dài trong 3 tháng mùa xuân, ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thành phố đã đẩy mạnh rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân về dự hội. Cùng với phần lễ phải tuân thủ quy định truyền thống, tổ chức trang trọng thì phần hội cũng được chú trọng, hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch tâm linh đặc trưng, tạo cơ hội cho du khách được tìm hiểu, trải nghiệm.
Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng VH-TT TP Uông Bí, cho biết: Phòng VH-TT thành phố đã chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa hội xuân Yên Tử đến nhân dân và du khách. Qua đó, góp phần giúp lễ hội thực sự trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, là dịp để người dân trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Để lễ hội được tổ chức thật sự vui tươi, lành mạnh, ngoài trách nhiệm quản lý, tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện nếp sống văn minh cùng các quy định chung tại lễ hội của chính người dân, du khách. Từ việc bỏ rác đúng nơi quy định, lựa chọn trang phục mặc trong ngày hội đến cung cách ứng xử lịch sự, có văn hóa, phù hợp thuần phong mỹ tục, chính là cách mỗi người thể hiện sự tôn trọng bản thân, tôn trọng cộng đồng và những người xung quanh.
Lễ chùa hay lễ hội đầu năm vốn luôn gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn. Và những giá trị này chỉ có thể có được một cách trọn vẹn, tiếp tục lan tỏa lâu bền trong đời sống khi cộng đồng cùng chung tay, chung sức xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh.
Ý kiến ()