
Chìa khóa chuyển đổi số
Với những kết quả nổi bật về hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số và chính quyền số, Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả và gần dân.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là tỉnh thử nghiệm và vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là hệ thống dùng chung cho CBCC làm nhiệm vụ giải quyết TTHC của Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh và các trung tâm PVHCC cấp xã. Hệ thống đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện các TTHC một cách nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh, cho biết: Hoạt động của Trung tâm PVHCC tỉnh và các trung tâm PVHCC cấp xã hiện diễn ra ổn định, thuận lợi. Hạ tầng thông tin thông suốt, cán bộ thao tác dễ dàng, bước đầu đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC trên môi trường số. Mọi trạng thái của hồ sơ từ tiếp nhận đến trả kết quả đều được hiển thị minh bạch, rõ ràng trên hệ thống điện tử, đảm bảo công khai và giám sát dễ dàng.
Tính đến đầu tháng 7/2025, toàn tỉnh có 2.023 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết các cấp, trong đó 1.874 thủ tục đủ điều kiện cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, với 80,31% là dịch vụ công toàn trình. Kết quả này không chỉ thể hiện quyết tâm cao trong hiện đại hóa nền hành chính công, mà còn là minh chứng rõ nét cho cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, làm chủ và là động lực của chuyển đổi số tại Quảng Ninh.

Tỉnh cũng chủ động xây dựng hạ tầng số vững chắc, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống thông tin trọng yếu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được phát triển mạnh, hỗ trợ tổ chức họp, hội nghị nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh phát triển nền tảng, tỉnh chú trọng xây dựng, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ngành, lĩnh vực. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách số hóa toàn diện đời sống kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đồng thời đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng hộ gia đình, người dân, coi đây là xu hướng tích cực, lan tỏa văn hóa số trong toàn xã hội. Tỉnh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” toàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho CBCCVC và người dân; đẩy mạnh ứng dụng AI trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt phát huy hiệu quả các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Những tổ công nghệ này đóng vai trò “cánh tay nối dài” của chính quyền trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng ứng dụng số và tiếp cận thông tin chính thống. Những hoạt động này góp phần từng bước hình thành xã hội số, nơi mỗi người dân đều có thể tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ chuyển đổi số.
Ý kiến ()