
“Làm theo lời Bác dạy là nguồn hạnh phúc nhất...”
Trong đời hoạt động cách mạng của mình, ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Giám đốc Liên hiệp Than Hòn Gai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã vinh dự 6 lần được trực tiếp gặp Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên với ông.
Nhớ lại lần đầu tiên gặp Bác, ông Nguyễn Ngọc Đàm chia sẻ: Năm 1954, hoà bình lập lại, khu mỏ Hồng Gai nằm trong phạm vi khu tập kết 300 ngày do Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định. Lúc này, tôi là Quyền Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Hồng Gai. Tình hình lúc đó rất găng. Sau đó, bọn chủ mỏ phải xin phép Chính phủ ta cho chúng chuyển đi và xin được gặp đại biểu của ta để thương lượng vì số máy móc, thiết bị đó vừa đưa sang, chưa được sử dụng, chưa thành tài sản của mỏ. Cuộc đấu tranh giữ máy của anh chị em công nhân mỏ Cẩm Phả được Đặc khu uỷ báo cáo lên Trung ương Đảng và Chính phủ. Ít ngày sau, Đặc khu uỷ Hồng Gai nhận được bức điện của Văn phòng Trung ương Đảng, bảo tôi lên Hà Nội báo cáo trực tiếp với Bác.
Nhận điện, lòng tôi tràn ngập một niềm vui sướng khó tả. Công lao này, vinh dự này thuộc về anh chị em công nhân mỏ đã kiên quyết đấu tranh chống địch. Tôi được Bác gọi về Trung ương báo cáo trách nhiệm, phấn khởi cứ lẫn lộn trong tôi từ khi nhận điện, chuẩn bị tài liệu và cả quá trình từ căn cứ của Đặc khu lên Hà Nội.
Đầu xuân năm 1955, năm đó rét. Tôi từ căn cứ đạp xe ra đi. Từng đợt gió của núi rừng Đông Bắc như quất vào mặt, làm tê cóng tay chân, nhưng trong lòng thật là ấm áp, một sự ấm áp bởi tình thương và sự quan tâm của Đảng, của Bác. Trong quá trình công tác, được cấp trên giáo dục, bồi dưỡng, ý thức trong tôi về lãnh tụ đã hình thành một cách hoàn chỉnh, bản thân cũng có những trưởng thành nhất định. Tôi hiểu rằng, Bác và Trung ương gọi lên báo cáo, không phải chỉ vì mấy cái máy của bọn chủ mỏ. Tôi cũng mang máng thấy được tầm quan trọng của vấn đề quan hệ giữa ta và Pháp sau này, cho nên Bác mới cho gọi và cũng thấy lo lắng.
Vào khoảng hơn 5 giờ chiều, tôi đến Phủ Chủ tịch. Lúc đó không có giấy giới thiệu như bây giờ, mà tôi chỉ đưa bức điện của văn phòng Trung ương cho đồng chí bảo vệ dinh Bác. Thế là tôi được vào. Đồng chí bảo vệ đưa tôi đi qua Phủ Chủ tịch, đến gần một ngôi nhà nhỏ thì tôi đã trông thấy Bác ngồi trên chiếc ghế dài dưới gốc một cây cổ thụ, có cả đồng chí Phạm Văn Đồng. Lòng tôi hồi hộp. Tôi đang đi đến nơi Bác. Tôi cố gắng bình tĩnh để chào Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí Phạm Văn Đồng bắt tay tôi giới thiệu với Bác. Bác bảo báo cáo luôn tình hình dưới mỏ.
Nghe tôi báo cáo xong, Bác khen ngợi tinh thần đấu tranh của anh chị em công nhân mỏ và cho một số chỉ thị. Bác căn dặn: Phải bảo vệ tất cả tài sản của mỏ, không để cho địch mang đi, để đến khi ta về tiếp thu có thể sản xuất được ngay. Thái độ đối với Pháp cần mềm dẻo, có tranh thủ, nhưng không nhân nhượng. Những thứ nó xin chuyển đi Chính phủ sẽ có chỉ thị sau. Nhưng không được để cho chúng phá hoại ta. Phải đề cao cảnh giác. Phải bảo vệ ngay cả đội ngũ công nhân, không cho chúng cưỡng ép anh chị em đi vào Nam.
Nói xong, Bác hỏi tôi, chú còn ý kiến gì nữa? Tôi thưa: Xin thi hành chỉ thị của Bác. Bác bảo, thôi về nghỉ. Đấy là lần đầu tiên được ngồi bên Bác, báo cáo với Bác và nghe Người chỉ thị. Thời gian chỉ khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng sao nó nhanh thế... Tôi chào Bác ra về, trong lòng rất phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời lại được Bác chỉ thị trực tiếp những việc cần làm sau này.

- Ông có những kỷ niệm đặc biệt nào khi gặp Bác Hồ?
+ Tháng 10/1957, Bác về thăm khu Hồng Quảng. Một hôm, đồng chí Bí thư Khu uỷ gọi điện cho tôi bảo sang Bãi Cháy tiếp khách, cũng không nói rõ khách là ai. Tôi phân vân không biết ăn mặc sao đây bởi vì tư trang lúc đó, ngoài bộ quần áo ka ki Chính phủ phát cho hồi vào tiếp quản, tôi không còn bộ quần áo nào có thể dùng để tiếp khách được. Chiếc áo bốn túi thì vừa mới giặt xong, cho nên không có áo khoác ngoài. Tôi cũng không nghĩ rằng khách là Bác và cũng tự cho là được, nếu là khách quốc tế, các bạn sẽ thông cảm hoàn cảnh thiếu thốn của ta nên yên tâm mà đi.
Sang đến nhà khách, Bác nói vừa vui, vừa nghiêm: Chú là Chủ tịch tỉnh mà đón Chủ tịch nước chỉ mặc quần áo sơ mi thôi à? Sao không có áo khoác ngoài? Lần ấy, tôi được Bác giáo dục một bài học sâu sắc về lễ nghi đón khách, về ý thức tôn trọng khách và cũng là tôn trọng mình. Tôi vô cùng ân hận về thiếu sót của mình, nhưng cũng lại thấy được một cách cụ thể nhất sự thương yêu cán bộ của Bác, từ việc nhỏ đến việc lớn, tất thảy Bác đều quan tâm, săn sóc, bảo ban cặn kẽ như người Cha hiền từ, rộng lượng.
Mùa hè năm 1959, Bác về thăm mỏ. Tôi và anh Trần Đường, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính TX Hồng Gai, sang Bãi Cháy (nơi Bác nghỉ) để tiễn Bác về Hà Nội. Chúng tôi đến nhà Bác nghỉ vừa đúng 7 giờ và nghĩ rằng, đến giờ này cũng còn sớm nên không để ý, tưởng rằng Bác còn trên nhà. Nhưng, tôi và anh Trần Đường không ngờ lúc đó Bác đã ngồi bên một gốc cây mà cả hai chúng tôi đều không rõ. Cũng rất may, lúc ấy anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác từ trong nhà đi ra, đưa cho tôi một tập báo “Vùng mỏ”, trong đó có chữ Bác ghi bằng chì đỏ. Tôi dở từng trang báo ra xem, chỗ nào cần chú ý Bác đều đánh dấu chì đỏ. Hằng ngày, Bác có bao nhiêu công việc phải lo, Bác bận rộn suốt ngày, thế mà Bác vẫn dành thì giờ đọc báo các nơi, chỉ ra những điều cần chú ý mà tờ báo đã phản ánh, việc làm của Bác chẳng những giáo dục thiết thực chúng tôi về việc đọc báo Đảng, mà còn nêu một bài học về sự quan tâm đến bất cứ công việc gì dù to, dù nhỏ của địa phương.
Nhìn anh Trần Đường ăn mặc trịnh trọng, thắt ca-vát, Bác bảo: Ta hiện nay chưa bằng Liên Xô, Bác không cấm các chú ăn mặc, nhưng hiện nay dân ta còn nghèo, không nên làm cái gì có ý cách biệt dân. Ta chỉ nên dùng khi tiếp khách nước ngoài…
Lần này, thấy Bác vui, tôi mạnh dạn xin Bác cho những nhận xét về cán bộ của ta, Bác nói đại ý: Cán bộ ta đại bộ phận trung thành, tốt, số xấu rất ít, độ dăm ba phần trăm. Cho nên trách nhiệm của cấp uỷ là phải thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho anh em, nhất là về quản lý kinh tế. Các chú ở khu mỏ này lại càng phải rất chú ý.
Cũng lúc đó, cô Mai, một đồng chí phục vụ nơi Bác nghỉ, đi qua. Bác gọi cô Mai lại gần và hỏi thăm về gia đình, sức khoẻ, về công tác. Tôi thấy cô Mai vừa thưa lại câu Bác hỏi, vừa rơm rớm nước mắt. Tôi và anh Trần Đường xin phép Bác ra về trong tình cảm dạt dào, luyến tiếc những giây phút ở bên Bác sao mà nhanh thế! Chúng tôi trao đổi với nhau về những dạy của Bác, càng cảm động biết bao sự quan tâm của Bác đối với mọi người, mọi việc.
- Sinh thời, Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Đối với khu mỏ, Người có căn dặn như thế nào, thưa ông?
+ Đầu năm 1960, Bác ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc trồng cây. Giữa năm đó, Bác lại xuống mỏ. Tôi đưa Bác đi thăm đảo Tuần Châu, đi một số nơi ở ven đồi, không dám đưa Bác lên núi sợ Bác mệt. Nhưng Bác bảo, đã ra đến đây thì phải lên núi cao mà nhìn mới thấy hết cái đẹp của đất nước. Bác leo núi còn khoẻ. Lên đến đỉnh núi, Bác chỉ tay ra phía Vịnh Hạ Long nói: Bác đi đã nhiều nơi, nhưng không có cảnh ở đâu đẹp bằng ở đây. Theo tay Bác chỉ, tôi nhìn ra xa, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long. Có lẽ cũng chỉ lần ấy trong đời tôi ở Khu mỏ này mới thấy hết cái đẹp của Vịnh Hạ Long, mặc dù tôi có dịp đi vịnh nhiều lần. Nhưng lại càng đẹp hơn, to lớn hơn và hùng vĩ hơn khi nhìn Bác như một ông tiên đứng trên núi cao lộng gió hoà với cảnh sắc thiên nhiên của đất nước. Thật là những giây phút hiếm có trong đời!
Bác dạy tiếp: Các chú phải trồng cây và xây ở đây một cái nhà khách cho Chính phủ. Sau này, các vị nguyên thủ các quốc gia có sang thăm ta, Bác sẽ đưa đến đây tham quan, nghỉ ngơi hoặc hội đàm ngay trên Vịnh Hạ Long này, ký kết trên Vịnh Hạ Long, hoặc là hội đàm ở đây xong về Hà Nội ký cũng được.
Được chỉ thị của Bác, tôi bàn với đồng chí Trưởng Ty Lâm nghiệp trồng cây nơi quả núi mà Bác đã thăm ở đảo Tuần Châu. Và mỗi lần có dịp về Hà Nội họp, được gặp Bác là Bác hỏi ngay: Đã trồng cây chưa, trồng được bao nhiêu, tỷ lệ cây sống, chết thế nào?
- Đã có lần nào ông được ăn cơm cùng Bác Hồ?
+ Vào năm 1961, Bác đưa một đồng chí ở Trung Quốc trước đây đã tích cực giúp cách mạng Việt Nam xuống thăm mỏ. Tôi được Bác cho mời sang cùng tiếp khách với Bác. Trong một bữa cơm thân mật mời khách, Bác nâng cốc chúc sức khoẻ mọi người. Tôi cũng nâng cốc làm theo Bác, nhưng rồi lại để xuống bàn. Thấy thế Bác nói: Chú này không uống được rượu. Các chú ở khách sạn lấy vang trắng cho chú ấy uống.
Thật ra thì tôi cũng uống được rượu, tuy không nhiều, nhưng được ngồi tiếp khách cùng Bác tôi không dám uống. Bác biết tôi giữ ý nên nói tránh đi, vì Bác cũng hiểu nỗi băn khoăn của những người theo Bác, nhất là trong buổi tiếp khách trang trọng.

- Trong những lần gặp Bác, có chi tiết nào làm ông cảm động nhất?
+ Đầu năm 1965, Bác về vui Tết với đồng bào các dân tộc và anh chị em công nhân Vùng mỏ sau khi tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng vừa hợp nhất được một năm. Bác về từ 30 Tết. Lúc này, tôi làm Bí thư Đảng uỷ mỏ Hồng Gai. Ngay tối hôm đó, tôi sang nhà khách ở Bãi Cháy chúc Tết Bác. Bác không hỏi gì về công tác mà chỉ nói chuyện vui. Bác hỏi tôi về sức khoẻ gia đình. Bác bảo sao không cho cháu bé sang chơi với Bác. Tự nhiên lòng tôi rộn lên. Tôi cảm động đến rơm rớm nước mắt và thật là tiếc vô cùng.

Tôi liên hệ đời tôi, từ một người thợ được Đảng và Bác giáo dục dạy dỗ, ngày càng trưởng thành. Nhiều năm sau, tôi vẫn cứ nghĩ rằng Bác còn đây. Bác vẫn dạy dỗ những điều cần phải làm cho cách mạng, cho dân, cho nước và những điều để rèn luyện bản thân. Tôi đã và sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện những điều Bác dạy để xứng với những lần vinh dự được gặp Bác. Và tôi nghĩ, đó là nguồn hạnh phúc nhất của con người được sống và hoạt động trong thời đại Hồ Chí Minh.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ý kiến ()