
Ký ức Khu mỏ tái thiết, bám trụ đánh Mỹ
Mặc dù không sinh ra và lớn lên trên Đất mỏ Quảng Ninh, thế nhưng CCB Đoàn Thế Lâm (82 tuổi, ở khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) có hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất này. Ông không thể quên được những năm tháng sống, chiến đấu cũng như tái thiết xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tròn 17 tuổi (năm 1960) chàng thanh niên Đoàn Thế Lâm theo người thân ra Hòn Gai (nay TP Hạ Long) sinh sống, học tập. CCB Đoàn Thế Lâm cho biết: Vừa ra đây, tôi tiếp tục theo học lớp 7 ở Trường cấp 2, 3 Hòn Gai (nay Trường THPT Hòn Gai). Sau khi học hết chương trình lớp 7, tôi sang học Trường Cơ điện trực thuộc Điện Lực Việt Nam đóng tại Cột 5 (nay thuộc Công ty Điện lực Quảng Ninh). Người học tại trường cơ điện lúc đó đủ mọi thành phần lứa tuổi, nhưng phần lớn là bộ đội; mục tiêu đào tạo cán bộ kỹ thuật về cơ khí và điện phục vụ công cuộc xây dựng, khôi phục kinh tế miền Bắc sau giải phóng.
Theo CCB Đoàn Thế Lâm, lúc đó Vùng mỏ được giải phóng 5 năm, đời sống của người dân tuy còn khó khăn, nhưng tinh thần mọi người đều hứng khởi; các nhà máy, xí nghiệp ngành Than tưng bừng ra sức thi đua lao động sản xuất.
Là thanh niên trẻ nhiệt huyết mang trong mình quyết tâm cao ra sức học tập rèn luyện tay nghề, sau gần 2 năm học tập, cuối năm 1963 ông Lâm ra trường và được phân công về công tác tại Mỏ than Hà Tu (nay Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin). CCB Đoàn Thế Lâm nhớ lại: Khi mới về mỏ, tôi được phân công vào đúng vị trí mà bản thân được đào tạo về cơ khí làm ở Công trường Khoan - Bắn; đồng thời được bổ sung vào Ban Bảo vệ tham gia huấn luyện quân sự. Lúc đó Mỏ than Hà Tu đã được đầu tư hệ thống xe đẩy tự động, dần thay thế xe goòng thời Pháp thuộc; máy khoan hiện đại của Liên Xô… hỗ trợ cho khai thác nâng cao năng suất, sản lượng, phục vụ công cuộc xây dựng XHCH.
Song hành công việc chuyên môn, ông Lâm được trang bị súng trường khi có địch đến tham gia chiến đấu. Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1964-1968), Vùng mỏ Quảng Ninh là trọng điểm đánh phá nhằm mục tiêu phá cơ sở, hạ tầng, nhà máy, xí nghiệp, công trình giao thông nhằm đánh vào tiềm lực kinh tế của miền Bắc XHCN; ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam của quân và dân ta. Mỏ than Hà Tu là một trong những trọng điểm mà máy bay địch đánh phá tại Vùng mỏ.
Sau khi địch mở rộng đánh phá Vùng mỏ, Đội tự vệ Mỏ than Hà Tu được thành lập; Đội tự vệ được trang bị các loại pháo phòng không 100mm; 37mm; súng 12,7mm cùng súng bộ binh tạo lên lưới phòng không nhiều tầng. Với vóc dáng cao to, ông Lâm được bổ sung vào thê đội 2, pháo phòng không 100 mm, làm pháo thủ số 2 chuyên tiếp đạn đánh trả địch…

CCB Đoàn Thế Lâm không thể quên được vào một ngày mùa thu năm 1967, ông Lâm kể: “Khi đang trong giờ nghỉ thì nghe tiếng máy bay ra từ phía Hoành Bồ, tôi bật dậy cùng một đồng chí nữa cầm súng bộ binh chạy lên chọn vị trí phù hợp đón lõng. Lúc đó máy bay địch bay rất thấp để tránh pháo phòng không của quân ta ở điểm cao, tôi cùng đồng chí ngắm bắn, khi máy bay đến chính diện tôi nổ 2 loạt đạn. Một lúc thấy máy bay phụt lửa lao ra biển. Sau khi về nghe đài thì được tin chiếc máy bay bốc cháy bởi súng bộ binh”.
Đầu năm 1969, ông Đoàn Thế Lâm làm Phó Bí thư Chi đoàn Công trường Khoan - Bắn, Cụm trưởng Cụm súng 12,7mm… Ông cùng các đồng đội tham gia đánh hàng chục trận với máy bay địch để bảo vệ tài sản, kho bãi của Mỏ than Hà Tu.
Được sự điều động của cấp trên, năm 1969 ông Đoàn Thế Lâm học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; sau khi ra trường, cuối năm 1972 ông về công tác tại Tỉnh Đoàn Quảng Ninh; đảm nhận nhiều vị trí chức vụ khác nhau, như: Cán bộ giảng dạy trường đoàn; Phó Trưởng Ban thanh thiếu nhi - Trường học; Chánh văn phòng Tỉnh Đoàn; năm 1979 ông được điều động ra làm Bí thư Huyện Đoàn Quảng Hà (nay huyện Hải Hà) rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Quảng Hà; năm 1987, ông điều động về Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc -Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quảng Ninh; Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh; năm 2000 ông về nghỉ chế độ.
Trải qua nhiều năm công tác với nhiều vị trí khác nhau, nhưng CCB Đoàn Thế Lâm vẫn luôn phát huy bản lĩnh trí tuệ của cán bộ đảng viên tham gia công tác xây dựng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gương mẫu, học tập theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Dù tuổi cao sức khỏe có hạn nhưng CCB Đoàn Thế Lâm vẫn luôn dõi theo thành quả phát triển của tỉnh và luôn tự hào về năm tháng ông đã từng sống, cống hiến trên Đất mỏ Anh hùng.
Ý kiến ()