Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021: Linh hoạt, quyết liệt hơn
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khá cao, ở mốc 2 con số, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Cả nước đang chuyển từ chiến lược “zero Covid” sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Do vậy, trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 đòi hỏi phải có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, linh hoạt hơn để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Nhận diện những thách thức
Năm 2021, năm thứ 2 dịch Covid-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, với nhiều biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, với quan điểm, chiến lược đúng đắn, khoa học; chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; vận hành cao nhất cơ chế trong phòng, chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, ngành, địa phương với các kịch bản, quy trình phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, Quảng Ninh đã giữ vững vùng xanh an toàn trong 3 quý đầu năm.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (8,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,2%, vượt 14,7% kịch bản, là động lực tăng trưởng chính cho khu vực công nghiệp, bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, nhờ giữ vững vùng xanh an toàn, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư mới, riêng các dự án FDI đã thu hút trên 1 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của quốc gia.
Quý IV/2021, khi đất nước chuyển trạng thái sang “sống chung với Covid”, những thách thức mới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện. Trong đó phải kể đến nguy cơ xáo trộn trong cộng đồng, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp cũng lớn hơn với Quảng Ninh; một số chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, đứt gãy, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý và lao động chất lượng cao, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư, đầu tư công bị gián đoạn... Điều này sẽ tác động rất lớn đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
Nhận định những khó khăn của dịch bệnh tác động đến những ngành kinh tế chủ lực, tỉnh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, chuyển đổi nhanh nhạy, kịp thời khi chuyển hướng trọng tâm phát triển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, giá trị gia tăng lớn; thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với ngành Than, một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia; triển khai nhanh chóng, kịp thời các đề án, chương trình trọng điểm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh...
Theo một số chuyên gia kinh tế, động lực tăng trưởng của Quảng Ninh vẫn còn rất mạnh mẽ nếu tận dụng tốt các cơ hội từ địa bàn an toàn để tăng tốc phát triển kinh tế. Đó là 100% người dân có chỉ định tiêm đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19; Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong nước tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và phát huy hiệu quả vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Cùng với niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân đối với Đảng, chính quyền đang rất cao, Quảng Ninh tiếp tục đón nhận sự quan tâm đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược…
Quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng
Ngày 18/10/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng.
Theo đó, quan điểm, nguyên tắc, phương châm được tỉnh đưa ra là tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của người dân, đặt người dân lên trên hết, trước hết, người dân là trung tâm, là chủ thể, là “chiến sĩ”, cộng đồng dân cư, xã, phường, thị trấn là “pháo đài” thích ứng an toàn, sinh hoạt an toàn. Cơ sở sản xuất, kinh doanh là trung tâm, là chủ thể thích ứng an toàn, sản xuất an toàn. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình chặt chẽ gắn với ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội…
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kịch bản và phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng thích nghi và ứng phó thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở, của doanh nghiệp, của người dân. Một số địa phương thành lập tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng, tổ liên gia, tổ dân cư đoàn kết, đưa nội dung phòng dịch vào các hương ước, quy ước… Đến nay, dù một số địa phương của tỉnh có ca F0 trong cộng đồng, song bám sát chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly và điều trị các ổ dịch, nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát.
Địa bàn được ổn định, dịch bệnh được khoanh vùng, kiểm soát, Quảng Ninh tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội, bổ sung những giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bằng việc đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực. Tỉnh đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản để rà soát chính xác, đầy đủ về sản lượng. Từ đó, tiến hành hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, vận tải, kết nối tiêu thụ đảm bảo nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả, không để ách tắc, cản trở hàng hóa lưu thông. Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tỉnh đồng hành cùng ngành Than, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho nhằm tăng tối đa sản lượng khai thác.
Ngành chế biến, chế tạo - được xác định là động lực tăng trưởng mới, tỉnh tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất tăng năng suất, sản lượng; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm ở một số dự án sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo. Lĩnh vực xây dựng được điều hành theo hướng quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án công. Tỉnh tích cực tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới để kịp thời có các giải pháp đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn…
Tỉnh tập trung chỉ đạo điều hành thu - chi có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra nhiều kịch bản thu trong các tình huống để điều hành chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách để đáp ứng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các biện pháp tăng thu, cơ cấu lại nguồn thu, chống thất thu, khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ; rà soát nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sử dụng, tiêu thụ xăng dầu của ngành Than và các doanh nghiệp tại Quảng Ninh.
Với quan điểm kiên định mục tiêu, quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, lần lượt những khó khăn, thách thức của Quảng Ninh đã được tháo gỡ, tốc độ tăng trưởng các khu vực đang dần bám sát đúng kịch bản ở mức tăng trưởng 15,3% trong quý IV và 10,1% cả năm 2021.
Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, nếu các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh tiếp tục duy trì theo hướng linh hoạt, quyết liệt, năm 2021 dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh sẽ duy trì ổn định đạt 4,21%, bằng 100% so kịch bản tăng trưởng. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,3%, tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Sản lượng than sạch sản xuất theo báo cáo từ TKV ước thực hiện cả năm là 47,616 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ, đạt 100,03% kịch bản. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh, tăng 31,94% so với cùng kỳ, đóng góp 3,3 điểm % trong tốc độ tăng GRDP do giai đoạn cuối năm các đơn vị đang tăng cường sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm mới, như tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ... Đây cũng là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP.
Khu vực xây dựng có cơ cấu kinh tế chiếm 6,8% tỷ trọng GRDP, dự kiến tăng 23,2% so với cùng kỳ, đạt 100% so với chỉ tiêu kịch bản, là do tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt, cấp phép kịp thời các khu vực khai thác đất đá làm vật liệu san nền dự án, cấp phép xây dựng nhà ở cho các hộ dân nhanh chóng; đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư mới như Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, Khu phức hợp Hạ Long Xanh, Sân golf Đông Triều... Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 39 dự án để sớm khởi công triển khai trong năm 2021 với tổng mức đầu tư là 121.647 tỷ đồng.
Với sự chủ động, lịch hoạt, ứng phó hiệu quả trong tình hình mới, những quyết tâm của Quảng Ninh biến thách thức thành cơ hội trong đảm bảo tăng trưởng sẽ sớm đạt được. Qua đó, đóng góp quan trọng trong cực tăng trưởng kinh tế toàn diện ở khu vực phía Bắc.
Ý kiến ()