Kích cầu mua sắm của người dân
Chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 chính thức được bắt đầu từ ngày 1/12 và kéo dài trong một tháng. Đây là chương trình do Bộ Công Thương chủ trì, được triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu của chương trình là tạo ra một mùa mua sắm trong năm để tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn. Trong đó, tất cả các doanh nghiệp đều được phép khuyến mại hàng hóa, dịch vụ lên đến 100%. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi khi mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Qua đó góp phần kết nối cung - cầu, phục hồi phát triển sản xuất - kinh doanh.
Chương trình sẽ kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên mọi lĩnh vực, trong bối cảnh doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh vừa đối phó với dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, kích cầu mua sắm ở thời điểm này là rất quan trọng, phù hợp với xu thế mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán năm mới. Đặc biệt, nó rất ý nghĩa để thúc đẩy sản xuất khi mà các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ vừa bị ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trong hai năm qua, gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh dịch vụ do phải giãn cách xã hội.
Để tăng tính hiệu quả trong thực hiện chương trình Tháng khuyến mại, Bộ Công Thương đã đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương cùng tham gia. Do vậy, ngoài các chương trình do Bộ Công Thương phát động và cùng phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để thực hiện, các địa phương cũng có thể đưa ra các chương trình riêng của mình để hưởng ứng cũng như hỗ trợ kết nối trong tiêu thụ hàng hóa và kích cầu mua sắm, tiêu dùng...
Được biết, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng hơn 4% so với cùng kỳ.
Vì vậy, chương trình năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu thông hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên cả nước, giúp các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, khi tất cả các địa phương trong cả nước bắt đầu bước vào trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, sau gần 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, trên diện rộng, thì việc thực hiện chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ góp phần triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam. Điều này cũng để nhằm thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất - kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa...
Hưởng ứng chương trình, Quảng Ninh cũng vừa tổ chức thành công Hội chợ OCOP năm 2021 (diễn ra từ ngày 26/11 đến 2/12, tại TP Hạ Long) với quy mô 267 gian hàng. Mặc dù bị tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hội chợ đã diễn ra an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Lượng hàng hóa được bán tại hội chợ với số lượng lớn thuộc các nhóm hàng thực phẩm, ẩm thực, thảo dược và đồ uống. Tổng doanh thu bán hàng đạt trên 4,3 tỷ đồng, trong đó doanh thu khu gian hàng OCOP Quảng Ninh đạt gần 2,5 tỷ đồng, chiếm 57,34% tổng doanh thu hội chợ; doanh thu khu gian hàng các tỉnh, thành phố trong nước đạt trên 1,8 tỷ đồng, chiếm 42,66% tổng doanh thu hội chợ.
Thành công của hội chợ thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong trạng thái bình thường mới, đồng hành cùng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh nhằm vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời cũng nhằm hưởng ứng Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, với việc kích cầu tiêu dùng nội địa, mua sắm của người dân, nhất là với các mặt hàng OCOP mang đặc trưng của địa phương...
Ý kiến ()