Không gian vùng tỉnh đến 2030
Trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 vừa được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định 1588/QĐ-UBND, ngày 28-7-2014) thì tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 được xác định như sau: Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch - công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hoá, lịch sử quốc tế, Di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Với tầm nhìn chiến lược nói trên, phát triển không gian vùng tỉnh đến năm 2030 theo Quy hoạch được phân định rõ gồm không gian vùng và tiểu vùng. Với không gian vùng: Phát triển vùng đô thị Trung tâm Hạ Long (Hạ Long - Cẩm Phả - Hoành Bồ) là vùng đô thị trung tâm gắn kết 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh. Phát triển 2 vành đai xuyên suốt từ Tây sang Đông, gồm: Vành đai phát triển công nghiệp - đô thị; vành đai cảnh quan và du lịch biển. Phát triển 2 phân khu gồm: Phân khu rừng (gồm khu vực rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng đầu nguồn tại phía Bắc của tỉnh, trải dài từ Tây sang Đông) và phân khu biển (khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, hệ thống các đảo và hải đảo).
Về định hướng phát triển không gian các tiểu vùng thì bên cạnh vùng đô thị trung tâm Hạ Long (Hạ Long - Cẩm Phả - Hoành Bồ) có 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh. Đó là tiểu vùng các Khu Kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu), tiểu vùng Khu Kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, tiểu vùng phía Tây (Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều), tiểu vùng rừng núi phía Bắc (Ba Chẽ, Tiên Yên). Theo đó, mỗi tiểu vùng đều được xác định rất rõ tính chất; từng huyện, thị xã, thành phố nằm trong tiểu vùng đều có hướng phát triển trọng điểm.
Như vùng đô thị trung tâm, Hạ Long là trung tâm phát triển của vùng, lấy phát triển du lịch, dịch vụ, văn hoá - giải trí làm trọng tâm còn Cẩm Phả là đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại bền vững với môi trường. Hoành Bồ là vùng hỗ trợ Hạ Long, Cẩm Phả. Một trong những điểm đáng lưu ý của việc liên kết, bố trí các công trình cấp tiểu vùng này là dừng phát triển mới, di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện nằm tại các trung tâm đô thị, xung quanh các vịnh lên các khu vực đồi núi phía Bắc.
Không gian vùng tỉnh chỉ là một nội dung trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh song đây cũng chính là cơ sở quan trọng, nền tảng thiết yếu cho các định hướng phát triển khác. Vì vậy, việc tuân thủ đúng không gian vùng tỉnh trong công tác triển khai thực hiện Quy hoạch này cũng như sự gắn kết của các Quy hoạch khác là yếu tố cần được giám sát chặt chẽ.
Ngọc Lê
Ý kiến ()