Không có “vùng cấm”
Sáng qua 28-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 42, thảo luận và thông qua toàn văn dự thảo Nghị quyết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Riêng quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trở thành tiêu điểm khi thu hút rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp.
Theo dự thảo Nghị quyết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
Một trong những quyền hạn nổi bật của Ban Chỉ đạo Trung ương, được quy định tại khoản 4, Điều 5 của dự thảo là “Thủ tướng-Trưởng ban chỉ đạo ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Thứ trưởng và các chức vụ tương đương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên Thường trực Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ khác do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức”. Trong thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng các chức danh cao hơn Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ kiến nghị Đảng, Nhà nước xem xét, xử lý.
Ban Chỉ đạo Trung ương có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với đảng viên, cán bộ, công chức khác khi có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng. Cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Như vậy là không có “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng và khi được phát hiện, Ban Chỉ đạo có quyền xem xét, xử lý ngay.
Ý kiến ()