
Hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm
Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp phát triển bền vững, đồng thời nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, bảo đảm thu nhập ổn định cho người dân.
Ngay từ đầu năm, Sở NN&MT phối hợp với các địa phương khuyến khích, hỗ trợ xây dựng và phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 322,35ha diện tích canh tác đảm bảo các tiêu chí an toàn và truy xuất nguồn gốc, tạo vùng nguyên liệu tin cậy cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã cấp mới 54 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.049,32ha, gồm 34 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 20 mã số phục vụ tiêu thụ trong nước; đồng thời thiết lập 7 mã số cơ sở đóng gói và thu hồi 12 mã số kém hiệu quả, bảo đảm chất lượng đầu vào cho các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất - du lịch, thí điểm chuỗi du lịch gắn với sản phẩm bản địa. Một số mô hình tiêu biểu như: Phường Hoành Bồ đã phát triển du lịch nhà vườn, đón khách tham quan, trải nghiệm thu hoạch trái, tìm hiểu quy trình chăm sóc cây ăn quả. Du lịch trải nghiệm làng quê Yên Đức ở phường Hoàng Quế cho phép du khách tự tay trồng, hái rau, củ, quả, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian. Lễ hội Cam ở Đặc khu Vân Đồn cũng được tổ chức thành công, thu hút hàng ngàn lượt khách tham gia trải nghiệm trồng, ghép cây, cắt tỉa cành, đồng thời thưởng thức cam tươi và chế biến các món ăn đặc sản. Nhờ đó, nhiều nông dân tại những địa bàn này đã tăng 30-40% doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Ở lĩnh vực xúc tiến thương mại, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã tổ chức 2 hội chợ OCOP quy mô cấp tỉnh, góp phần giới thiệu và kết nối tiêu thụ gần 1.500 sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, 8 hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp đã cung cấp thông tin thủ tục hải quan, quy định xuất nhập khẩu, giúp hơn 1.788 lượt doanh nghiệp nắm bắt kịp thời văn bản pháp luật mới. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Liên minh HTX và các ngành liên quan hướng dẫn xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn” tại website https://qn.check.net.vn.
Để mở rộng kênh tiêu thụ, Quảng Ninh tích cực đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Sàn OCOP Quảng Ninh (postmart.vn) hiện có 332 tài khoản bán hàng, trong đó 169 tài khoản đã kích hoạt và 129 gian hàng đang hoạt động, giới thiệu 432 sản phẩm của 235 doanh nghiệp; lưu lượng truy cập đạt hơn 96.000 lượt trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, các hộ sản xuất, hợp tác xã được hỗ trợ mở gian hàng trên các sàn lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Fado, Amazon… Sự phối hợp với Viettel Pay để tích hợp thanh toán điện tử đã tạo thuận lợi tối đa cho người tiêu dùng; đến nay có trên 80 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định qua các kênh hiện đại như Go! Hạ Long, MM Mega Market, WinMart, Aloha, Lan Chi…

Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cũng được chú trọng. Hằng năm, tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng sao cho sản phẩm OCOP; hiện có 432 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 5 sản phẩm 5 sao, 107 sản phẩm 4 sao và 320 sản phẩm 3 sao. Các sở, ngành cũng phối hợp kiểm tra, rà soát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đôn đốc hoàn thiện 135 chợ nông thôn, 7 trung tâm thương mại và 384 cửa hàng tiện lợi trải dài khắp địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương hàng hóa.
Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, công tác liên kết, hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội được đẩy mạnh. MTTQ và các hội đoàn thể vận động 70.121 hộ nông dân cam kết sản xuất an toàn, đã có 41.398 nông dân cài đặt và sử dụng ứng dụng APP Nông dân Việt Nam; 2.704 hội viên được hỗ trợ xây dựng tài khoản trên sàn thương mại điện tử; thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, 39 dự án với 379 hộ vay vốn, giúp người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhờ những nỗ lực đồng bộ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2025 của Quảng Ninh tăng khoảng 18,2% so với cùng kỳ. Số lượng và quy mô các vùng sản xuất an toàn, chất lượng cao không ngừng gia tăng; uy tín và thị phần của hàng hóa, đặc sản Quảng Ninh đã được khẳng định tại hệ thống phân phối hiện đại và trên thị trường xuất khẩu.
Ý kiến ()