Khi văn hoá là nền tảng
Văn hoá là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần mà bao gồm cả vật chất. Một hành vi, mỗi ứng xử cũng đều toát lên văn hoá của mỗi con người, mang hình ảnh “đại sứ” của con người, vùng đất…
Đã có nhiều ý kiến nêu ra rằng đặc trưng văn hoá của người Quảng Ninh là gì? Người thì cho rằng đó là tinh thần “Kỷ luật – đồng tâm” vốn được ra đời từ cuộc Tổng đình công của thợ mỏ ngành Than với các chủ mỏ Pháp tháng 12/1936. Tinh thần ấy đã trở thành hành trang, là động lực giúp cán bộ, công nhân Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam rất nhiều lần vượt qua khó khăn, kể cả ngày hôm nay.
Lại có ý kiến cho rằng, ấy là văn hoá biển, bởi qua các kết quả khai quật khảo cổ ở dọc ven bờ biển từ Móng Cái đến Hạ Long, Quảng Yên và những đảo trên Vịnh Hạ Long… cho thấy từ hàng ngàn năm trước, người Việt cổ ở Quảng Ninh đã sống dựa vào biển, lấy biển làm đối tượng khai thác cá, tôm, các loài nhuyễn thể, coi hải sản là nguồn sống chính cho mình. Không chỉ có vậy, người Việt cổ ở Quảng Ninh, nhất là giai đoạn Văn hoá Hạ Long (hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 5.000 – 3.500 năm) và Văn hoá Đông Sơn (thời đại kim khí, cách ngày nay khoảng 3.500 – 2000 năm) còn chọn biển là cảm hứng sáng tác cho trang trí hoa văn trên đồ gốm, trang phục của mình. Đó là những hoa văn hình sóng nước Hạ Long, là dùng vỏ nhuyễn thể đập nát, trộn với đất, cát để chế tác các đồ đựng gia dụng.
Rốt cuộc, nhiều ý kiến đồng tình rằng, đặc trưng văn hoá Quảng Ninh chính là con người Quảng Ninh có sự pha trộn, giao thoa giữa văn hoá truyền thống, lâu đời là văn hoá biển với văn hoá hiện đại là văn hoá công nhân mỏ để tạo nên một diện mạo văn hoá người Quảng Ninh hôm nay. Một Quảng Ninh với đặc điểm “như một nước Việt Nam thu nhỏ” ở góc độ văn hoá đã và đang là sự pha trộn, hội tụ văn hoá của các vùng miền.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh về con người Quảng Ninh mới, cụ thể hoá bằng các chương trình phát động “Nụ cười Hạ Long”, xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử văn hoá. Ngoài ra, nhiều địa phương như Hạ Long, Tiên Yên, Cô Tô cũng đã chủ động xây dựng các tiêu chí về con người mới “nói lời hay, cử chỉ đẹp”, thật thà, mến khách.
Ngày 9/3/2018, Ban Chấp hành Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cho đến trước khi Hội nghị văn hoá toàn quốc được tổ chức ngày 24/11 vừa qua, có thể nói, những định hướng, giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện chính là những bước tiên phong của tỉnh nhằm xây dựng con người Quảng Ninh mới hiện đại, có kiến thức, mạnh mẽ, làm chủ khoa học công nghệ nhưng vẫn gìn giữ, kế thừa và tiếp nối được những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) của Đảng đã đưa ra quan điểm “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”. Phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ý kiến ()