Khi văn hoá là động lực phát triển
Quảng Ninh là một trong những tỉnh giàu truyền thống lịch sử văn hoá của Việt Nam. Lịch sử và văn hoá của Quảng Ninh có sự gắn kết chặt chẽ với chiều dài lịch sử và văn hoá đất nước, nhất là trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Hôm nay, những di sản ấy đã và đang là hành trang, là động lực vững chắc trên con đường phát triển của Quảng Ninh.
Quảng Ninh có thể coi là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Các kết quả khai quật những di chỉ khảo cổ của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng người Việt cổ đã định cư tại vùng đất Quảng Ninh ngày nay từ khoảng 7000 năm trước. Giai đoạn khoảng 3000 – 4000 năm trước, thông qua phương thức sống, chế tác công cụ, trang trí đồ gốm, người Việt cổ ở Quảng Ninh đã sáng tạo ra một nền văn hóa khác biệt với các nền văn hóa đương thời, chỉ có Hạ Long, được các nhà khảo cổ đặt tên là Văn hóa Hạ Long. Đặc trưng của Văn hóa Hạ Long ấy là rìu có vai, có nấc; đồ gốm chế tác bằng đất pha lẫn vỏ nhuyễn thể đập vụn, trên có trang trí hoa văn “đập thừng” và hoa văn sóng nước, lấy ý tưởng từ sóng nước Hạ Long.
Kể từ đó cho đến ngày nay, văn hóa của người Quảng Ninh không ngừng được tiếp nối, bồi đắp để tạo nên một Văn hóa biển mang sắc thái của con người và vùng đất Quảng Ninh. Văn hóa biển có sự giao thoa, tác động biện chứng với Văn hóa công nhân mỏ ra đời từ đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 20 mà chúng ta vẫn quen với khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm” để hình thành một đặc trưng văn hóa mới của người Quảng Ninh hào sảng, hồn hậu, thật thà, mến khách nhưng không kém phần mạnh mẽ, táo bạo, quyết đoán.
Quảng Ninh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, cùng với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chăm lo sức khỏe, giáo dục, tỉnh cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phục dựng các lễ hội văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, coi trọng văn hóa là tài nguyên quý để xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Không chỉ các lễ hội quy mô như Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Bạch Đằng, nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang ngày càng được tổ chức hướng đến là một sản phẩm du lịch như các ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ. Mấy năm gần đây, các lễ hội văn hóa của dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên), ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày ở Bình Liêu, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được duy trì tổ chức, chú trọng nhiều đến khai thác du lịch. Những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ ở Bình Liêu đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo không đâu có ở Việt Nam.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được chăm lo tốt hơn. Điện thoại, sóng truyền hình, phát thanh, thông tin liên lạc đã phủ khắp các thôn bản, vùng xa. Trình độ dân trí của người dân ngày một nâng cao, từ đó dễ dàng tiếp cận với khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Thông qua văn hóa và nhận diện rõ vai trò, ý nghĩa của xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần để các phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, xây dựng làng, khu phố, phường, đơn vị, cơ quan văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tháng 4/2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh mục đích xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho hôm nay và mai sau.
Ý kiến ()