
Huyện Đầm Hà: Bứt phá từ Nghị quyết 06-NQ/TU
Vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đầm Hà đang có sự đổi mới toàn diện, với khoảng cách chênh lệch vùng miền thu hẹp đáng kể, chất lượng đời sống của nhân dân được nâng cao. Với những giải pháp đồng bộ và vận dụng sáng tạo, quyết liệt vào thực tế địa phương, huyện Đầm Hà đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã trở thành một trong những nhiệm vụ mà huyện Đầm Hà chú trọng hàng đầu trong thời gian qua. Việc triển khai còn được gắn liền, đồng bộ với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, công tác bảo tồn phát huy giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện... Qua đó đã tạo sự thống nhất từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, cho tới phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm thực hiện, cụ thể hóa thành các mô hình, phần việc, chỉ tiêu, thời hạn cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân; giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư và tránh xảy ra trùng lặp.

Huyện Đầm Hà cũng nhận định từ sớm những khó khăn đặc thù của địa phương để có định hướng triển khai các mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU phù hợp với thực tiễn. Những “nút thắt” cần tháo gỡ bao gồm: Các vùng DTTS, miền núi diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi, khiến cho diện tích đất canh tác bị phân tán, manh mún theo địa hình, dân cư không tập trung. Các tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu, kém hiệu quả vẫn còn tồn tại nhiều trong cộng đồng dân cư. Trình độ văn hóa ở vùng nông thôn, miền núi còn thấp so với mặt bằng chung... Vì vậy, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng KT-XH cho các xã, thôn vùng khó khăn. Nhiều dự án cấp thiết trên địa bàn huyện đã được triển khai thi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, huyện kịp thời có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất theo các mô hình cây trồng - vật nuôi phù hợp, tăng cường liên kết và tích cực áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất, chất lượng.

Một trong những điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU tại huyện Đầm Hà là đã khá thành công về tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Nhất là trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn. Cụ thể bằng việc thường xuyên nắm bắt, trao đổi với doanh nghiệp, tổ chức các cuộc làm việc với các doanh nghiệp đến nghiên cứu địa điểm đâu tư, quan tâm chỉ đạo tập trung hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ lợi thế nông nghiệp, huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức chăn nuôi hữu cơ gắn với các giống đặc sản bản địa. Nhất là tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và nghề nuôi biển theo phương thức thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường với các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm, cá song, hàu hà...

Nhờ những chính sách có hiệu quả, huyện Đầm Hà cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của nhiều tập đoàn, công ty lớn như Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC... Trên địa bàn đã có 1 siêu thị hạng 2, 25 siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi, 12 cơ sở thu nông, lâm, thủy sản. Hạ tầng thông tin, các dịch vụ tài chính ngân hàng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đến nay, tổng giá trị sản xuất cả 3 khu vực trên địa bàn huyện đạt gần 11.600 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.000 USD. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia và của tỉnh, số hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn 68 hộ (0,61% dân số).

Các chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào DTTS, miền núi của huyện Đầm Hà cũng được quan tâm, chú trọng. Nổi bật là huyện đã tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, miền núi. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... 100% trường công lập trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn mức độ 1, 2 về cơ sở vật chất.

Vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH được phát huy trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thay đổi tư duy trông chờ, ỉ lại. Thay vào đó là tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống mới, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào DTTS được phục dựng và bảo tồn; hoạt động văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí được triển khai thực hiện đã góp phần đẩy lùi, xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng...
Những nỗ lực của huyện Đầm Hà đang tổng hòa vào thành quả chung của toàn tỉnh để thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện, bền vững.
Ý kiến ()