
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế tư nhân”. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương, có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Dự tại điểm cầu trực tuyến Quảng Ninh, có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và được truyền trực tuyến đến 208 điểm cầu trên địa bàn tỉnh, với 21.221 cán bộ, đảng viên tham dự.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề 1 “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68". Theo Thủ tướng, Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó xác định, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu.
Nghị quyết xác định đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Tiếp đến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, quán triệt, triển khai những nội dung cốt lõi Nghị quyết số 66-NQ/TW. Nghị quyết số 66-NQ/TW có 5 quan điểm chỉ đạo; 2 mục tiêu và 7 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra để triển khai thực hiện đến năm 2045. Trong đó nêu bật, công tác thi hành pháp luật được bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng; trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng tới chính sách; xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nghị quyết xác định đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước; được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao…
Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa khẳng định lại vai trò quan trọng của 2 nghị quyết đối với vận mệnh phát triển đất nước hiện nay. Tổng Bí thư yêu cầu các cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, đảm bảo các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo hành lang phí lý, tạo ra những giá trị kinh tế lớn cho quốc gia, dân tộc…

Khởi động ngay các chương trình trọng điểm KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại quốc tế, chủ động tham gia các hiệp định mới; thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm ít nhất 30% TTHC, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết, thành lập các ban chỉ đạo chuyên trách cấp trung ương, cấp tỉnh và cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có tư duy đổi mới; đẩy mạnh truyền thông tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia thực hiện từng nghị quyết và tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, giới trí thức.

Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới; phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân ta có đời sống thực sự ngày một tốt hơn; lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia; những chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực, kết quả công tác; tiếp tục kiến nghị, xây dựng nghị quyết mới theo phương châm “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều vì dân” như Bác Hồ đã từng nói…
Ý kiến ()