Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Ngày 17/5, BTV Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than và khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc sinh sống tại Quảng Ninh cùng nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đặc biệt cụ thể hóa 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội xác định là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Ninh đã xác định việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp là giải pháp then chốt. BCH, BTV Tỉnh ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã quyết liệt chỉ đạo để quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, từng bước tháo gỡ nút thắt thiếu hụt hạ tầng xã hội cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp mục tiêu bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, hướng tới tiêu chí hạnh phúc.
Với sự quyết liệt của tỉnh, đến nay đã có một số dự án nhà ở cho công nhân lao động, đối tượng có thu nhập thấp đã và đang được triển khai. Cụ thể, các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV, Tổng Công ty Đông Bắc đã triển khai gần 50 khu nhà ở cho công nhân, với tổng diện tích đất khoảng 59ha, trên 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân. Đối với nhà ở cho công nhân tại các KCN, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 1 dự án đang triển khai xây dựng; 2 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang triển khai hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Đối với nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 công nhân đang làm việc trong ngành than chưa có chỗ ở ổn định; khoảng 15.400 công nhân làm việc tại các KCN chưa có chỗ ở ổn định. Các nhóm đối tượng khác (trừ đối tượng người lao động làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp) có khoảng 26.000 người có nhu cầu nhà ở.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng nhà ở, quỹ đất xây dựng nhà ở, dự báo nhu cầu nhà ở đến năm 2025, Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than và khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc sinh sống tại Quảng Ninh xác định mục tiêu trọng tâm hỗ trợ, giải quyết căn bản nhu cầu của người công nhân, lao động đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả; phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, công nhân KCN, nhu cầu còn lại sẽ đáp ứng trong giai đoạn 2026-2030; từng bước đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thu nhập trung bình.
Qua thảo luận, BTV Tỉnh ủy thống nhất cho rằng: Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động ngành than; công nhân, lao động tại các KCN; đối tượng nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc sinh sống tại Quảng Ninh và các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị. Đây cũng là quyết sách mang tính đột phá vừa đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, vừa là giải pháp then chốt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô dân số.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu đề án phải được định hình trong tầm nhìn xa hơn là định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Về giải pháp thực hiện, ưu tiên hàng đầu là giải pháp về quy hoạch và đất đai với tư tưởng, tầm nhìn dài hạn. Trong đó, phải ưu tiên quy hoạch 5 nguồn quỹ đất để nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở cho người công nhân, lao động ngành than, công nhân lao động trong các KCN, người có thu nhập thấp ở vùng đô thị; người nghèo, cận nghèo; CBCCVC, người lao động có kỹ năng về làm việc tại Quảng Ninh và những người dân thuộc diện tái định cư. Đó là quỹ đất ở 20% tại các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; quỹ đất của các khu vực đã kết thúc khai thác, ở các vùng than, hoàn nguyên, hoàn thổ, các khu vực đổ thải đã ổn định ở các vùng than Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả; quỹ đất ở thuộc khu vực ven đô các KCN, ven các khu đô thị hiện hữu; quỹ đất xen kẹp nhưng đủ lớn nằm trong khu đô thị hiện hữu để tạo ra quỹ nhà ở công vụ và quỹ nhà ở tập thể; Quỹ đất công ở những nơi do quy hoạch tạo ra chưa mang đi đấu giá, đấu thầu.
Về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động ngành than với nhu cầu lớn như hiện nay, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về thủ tục, quy hoạch để chuyển đổi quỹ đất ngành than đang quản lý để khuyến khích ngành than xây thêm nhiều khu nhà ở để phục vụ nhu cầu ổn định chỗ ở cho công nhân.
Về nhà ở cho gia đình thợ mỏ, tỉnh sẽ tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất và sẽ định hướng để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khi có nhu cầu. Cùng với ngành than, tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư ngoài ngành than để tạo ra những quỹ nhà giá rẻ với sự đồng bộ về hạ tầng để gia đình thợ mỏ ngoại tỉnh đến Quảng Ninh sinh cơ lập nghiệp, góp phần tăng quy mô dân số bền vững. Phát triển làng công nhân Mỏ, gìn giữ bản sắc, văn hóa của người thợ Mỏ Quảng Ninh.
Đối với các giải pháp để phát triển nhà ở cho công nhân, lao động trong các KCN, cụm công nghiệp, BTV Tỉnh ủy yêu cầu bám sát nội dung trong đề án. Từ nay đến cuối năm 2022, khởi động được một số dự án nhà ở cho công nhân, lao động, nhất là ở những nơi thuận tiện, tiếp cận thuận lợi với hạ tầng và có giá thành hấp dẫn. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển nhà ở tái định cư khi thu hồi đất, GPMB phục vụ cho dân cư đô thị thu nhập thấp không có nhà ở; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cần phải có giải pháp về thu hút đầu tư, huy động vốn với sự tham gia của Nhà nước; doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tượng sử dụng để tạo ra quỹ nhà ở thương mại giá phù hợp, đồng bộ về hạ tầng và dễ tiếp cận cho các đối tượng người lao động có thu nhập thấp, công nhân lao động ngành than, trong KCN, KKT và các đối tượng khác. Đồng thời, phải đảm bảo phân bổ ở các địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho người công nhân, lao động, người thu nhập thấp đều được tiếp cận.
Trong khâu tổ chức thực hiện phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện phải đảm bảo theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. BTV Tỉnh ủy xác định, đổi mới, sáng tạo, đột phá dám nghĩ dám làm vì lợi ích nhân dân, lợi ích chung gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công của Đề án.
Cùng ngày, BTV Tỉnh ủy nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tờ trình về Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành giáo dục đào tạo. Tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn; chăm lo con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo; vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Hiện, 87,34% trường học các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia - cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp THCS là 93,19%, cấp THPT là 81,94%. Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo ngày càng được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo công bằng cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giáo dục đào tạo vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn trong phát triển KT-XH của tỉnh. Chất lượng giáo dục tuy có tiến bộ nhưng chưa toàn diện, đồng đều và còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học còn thấp. Đột phá về phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng phát triển giáo dục, đào tạo tỉnh Quảng Ninh, những kết quả đạt được, hạn chế cùng những nguyên nhân và dựa trên dự báo về quy mô dân số tỉnh Quảng Ninh tới năm 2025, 2030, Đề án đã xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, cùng các giải pháp cụ thể.
Qua thảo luận, BTV Tỉnh ủy cho rằng, về quan điểm, Đề án cần nêu rõ: Phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược; Phát triển giáo dục đào tạo là một trong những giải pháp cốt lõi quyết định sự thành công của khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc; Đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho sự phát triển. Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên nguồn lực phù hợp với khả năng cân đối để tạo bước phát triển mới về chất lượng giáo dục, đào tạo Quảng Ninh, trong đó, tập trung nguồn lực cho vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa các vùng miền: đô thị, miền núi, biên giới, hải đảo, nông thôn; giữa giáo dục công lập và ngoài công lập; giữa giáo dục chính quy và không chính quy theo phương châm “ngân sách nhà nước là chủ đạo, kết hợp với tối đa nguồn lực ngoài ngân sách và nguồn lực trong nhân dân chăm lo phát triển giáo dục đào tạo”. Có cơ chế khuyến khích phát triển mạnh mẽ giáo dục ngoài công lập hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, người học và nhà đầu tư theo phương châm tất cả học sinh đều được thụ hưởng chất lượng giáo dục ngày một tốt hơn.
Phát triển văn hóa xã hội, con người Quảng Ninh vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội nhanh bền vững, nhanh chóng thu hẹp chênh lệch vùng miền về chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo, để người dân Quảng Ninh và học sinh vùng nông thôn, biên giới hải đảo được thụ hưởng thành quả phát triển KTXH của tỉnh và thụ hưởng chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo tiệm cận với chất lượng vùng đô thị.
Chủ động tích cực, tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số để tạo đột phá phát triển giáo dục thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo Quảng Ninh gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Trong đó ngoại ngữ phải được đặc biệt quan tâm hơn.
Về mục tiêu, tới năm 2025, Quảng Ninh phải ở top khá trong cả nước về chất lượng giáo dục và là một trong những tỉnh đi đầu trong mô hình giáo dục thông minh, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 15%. Tới năm 2030, Quảng Ninh ở top các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục tốt, có số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 20-25%. Tới 2045, đứng ở top các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục ở top đầu cả nước.
Ngoài ra, từ nay tới 2025, thực hiện đúng lộ trình giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo yêu cầu của Trung ương. 100% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trên 90%.
Cùng các nhiệm vụ đã nêu, Đề án cần nhấn mạnh tới các giải pháp mang tính đột phá hơn về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo như cần có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên giỏi trong cả nước về dạy học tại Quảng Ninh; phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục chất lượng cao và phát triển giáo dục ngoài công lập chất lượng cao; phát triển giáo dục thông minh. Trước mắt trong năm 2022, UBND các địa phương dành tối đa quỹ đất để phát triển cho giáo dục đào tạo, văn hóa, con người với tầm nhìn dài hạn; dành nguồn lực đáng kể để đầu tư xây dựng các trường THPT chất lượng cao; khẩn trương xây dựng đề án đào tạo đạt chuẩn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn mới và Đề án tổng thể thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập theo lộ trình của Trung ương và của tỉnh đặt ra.
Cũng trong ngày, BTV Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về báo cáo rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện, sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Ý kiến ()