Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Ngày 23/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến về Đề án về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Đề án về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025. Được xây dựng trên cơ sở bám sát các định hướng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, đánh giá thực trạng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020, Đề án đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo để trở thành động lực then chốt phục vụ phát triển KT-XH nhanh và bền vững; tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột - thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc.
Một số lĩnh vực sẽ được tập trung phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm: Cải cách hành chính và quản lý Nhà nước, Y tế, Giáo dục, Thông tin truyền thông, Văn hóa, An ninh trật tự.
Đối với Đề án “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tiếp cận phân tích, đánh giá tổng thể hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin, kết quả triển khai xây dựng Đề án Chính quyền điện tử và Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh.
Mục tiêu của đề án nhằm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH từ chuyển đổi số để xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu, mạnh, mang lại giá trị hạnh phúc cho người dân. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền số quản trị dựa trên dữ liệu số, hướng tới xây dựng chính quyền thông minh. Từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia. Đề án cũng xác định ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Các lĩnh vực cần tập trung chuyển đổi số gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cho ý kiến về hai Đề án này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan liên quan. Đây là 2 nội dung quan trọng được xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Đối với Đề án về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025, trong quan điểm, phải nêu bật hơn đó là việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào mọi mặt đời sống xã hội, để thúc đẩy quản lý thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, sản xuất thông minh, đô thị thông minh và đào tạo ra các công dân thông minh. Đồng thời, nhấn mạnh gắn kết giữa phát triển giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo để trở thành động lực thúc đẩy KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh ở Quảng Ninh trong những năm tới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, dựa trên ứng dụng KH&CN tiên tiến trên các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp sạch, công nghệ cao; du lịch dịch vụ, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; kinh tế số. Ngoài ra, phải coi trọng hiệu quả sau đầu tư của phát triển KH&CN; phải tạo ra sự đột phá về thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và người dân mạnh dạn chuyển giao và ứng dụng KH&CN mạnh mẽ hơn.
Từ các quan điểm trên, phải xác định rõ những giải pháp cần tập trung, trong đó, phải nhấn mạnh giải pháp xây dựng cộng đồng khởi nghiệp để thúc đẩy kinh tế chia sẻ; ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN. Về nguồn lực, ngân sách tiếp tục vừa đóng vai trò tạo động lực, vừa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ.
Trên cơ sở ý kiến tham gia, các đơn vị liên quan tiếp thu để hoàn thiện Đề án, dự thảo Nghị quyết trình BCH Đảng bộ tỉnh cho ý kiến.
Đối với Đề án "Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu quan điểm của Đề án phải nhấn mạnh việc chuyển đổi số toàn diện, lấy khu vực công làm động lực để tiếp tục dẫn dắt thúc đẩy chuyển đổi số ở khu vực tư nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của tỉnh để phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh. Đồng thời, phải nhấn mạnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển văn hóa con người Quảng Ninh giàu bản sắc dân tộc. Phải hướng đến xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt trụ sở tại Quảng Ninh; thu hút nhiều nhân tài, trí thức, lao động tay nghề cao đến làm việc, sinh sống tại tỉnh. Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế, tỉnh dịch vụ công nghiệp.
Thống nhất với quan điểm kế thừa các đề án, chương trình trước đây làm cơ sở phát triển giai đoạn mới phù hợp với mục tiêu, nhu cầu sử dụng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải tập trung xây dựng chính quyền số; ưu tiên cho việc xây dựng dữ liệu nền tảng; nguồn lực thực hiện theo cơ chế hình thức hợp tác công tư.
Về giải pháp thực hiện, phải tập trung hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử để đảm bảo cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phải gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC, đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý. Nghiên cứu thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên 1 địa chỉ internet để lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đều nắm được và trả lời nhanh nhất. Phải gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ thông tin cá nhân.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Dự kiến diễn ra vào ngày 30/9/2021, kỳ họp sẽ thảo luận, dự kiến thông qua nhiều nội dung: Điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021; chủ trương đầu tư các dự án triển khai trong giai đoạn 2022-2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đợt 5 trên địa bàn tỉnh năm 2021; hủy bỏ danh mục dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Thống nhất với các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình tại kỳ họp dù trong thời gian ngắn. Đây đều là các nội dung có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Cho ý kiến đối với một số nội dung trình tại kỳ họp, cụ thể đối với nội dung về điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải rà soát tổng thể cả về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, đánh giá sát tình hình từ nay đến hết 2021 về việc quản lý sử dụng vốn, đảm bảo đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương và của tỉnh; đảm bảo khối lượng, tiến độ hoàn thành và chất lượng công trình, không tạo ra khó khăn cho điều hành ngân sách của năm sau 2022 và những năm sau nhất là giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, phải quyết liệt thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng trách nhiệm giải trình và có chế tài xử lý khi không đạt tiến độ, kế hoạch đề ra.
Về chủ trương đầu tư các dự án triển khai trong giai đoạn 2022-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất nguyên tắc phải đầu tư có trọng tâm trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả khai thác thực tế. Phải tập trung nguồn lực cho các công trình động lực, chiến lược, có ý nghĩa lan tỏa, đòn bẩy, tập trung cho các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng KKT, cảng biển... Tiếp tục khắc phục tình trạng phân tán dàn trải, kéo dài, giảm tối đa các công trình, dự án khởi công mới, không thực sự cấp thiết, giảm tối đa công trình chuyển tiếp từ giai đoạn đầu tư công trung hạn cũ sang đầu tư công trung hạn mới. Kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công để dẫn dắt, thúc đẩy, kích hoạt các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là của các thành phần kinh tế trong đầu tư hạ tầng như đã làm thành công ở giai đoạn trước. Đồng thời, bảo đảm cân đối vùng miền, lĩnh vực để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, tránh chênh lệch giàu nghèo.
Đối với các nội dung khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn phải tích cực phối hợp nghiêm túc, trách nhiệm để tiếp tục rà soát, chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, đảm bảo chất lượng trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Các nội dung phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm rõ căn cứ, tính cấp thiết, cũng như đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri.
Ý kiến ()