
Hoa sở và chuyện giữ gìn bản sắc văn hoá
Trong các ngày từ 9 đến 11-12 vừa qua, huyện Bình Liêu đã tổ chức Hội hoa sở năm 2016. Khác với năm ngoái chỉ tổ chức tại xã Đồng Tâm, quy mô Hội hoa sở năm 2016 không chỉ diễn ra tại rừng sở thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, mà còn có thêm các hoạt động phụ trợ tại bản Sông Moóc A (xã Đồng Văn); thác Khe Vằn (xã Húc Động); đình Lục Nà (xã Lục Hồn).
Trong số đông đảo du khách về dự lễ hội, có khá nhiều người đến từ các tỉnh xa đi theo đoàn, nhóm và tour lữ hành. Điều đó chứng tỏ lễ hội được quảng bá và có sức lan toả tốt và như thế, nó đã đạt được mục đích của huyện đề ra, như lời Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, Trưởng ban Tổ chức Hội hoa sở Đặng Bá Bắc trả lời phỏng vấn của Báo Quảng Ninh, rằng lễ hội nhằm giới thiệu tiềm năng, sức hấp dẫn, tôn vinh những giá trị văn hoá, vẻ đẹp thiên nhiên và con người Bình Liêu, góp phần quảng bá vẻ đẹp riêng có của hoa sở Bình Liêu, tạo dựng sản phẩm du lịch “Mùa hoa sở”.
Theo chia sẻ của nhiều du khách, ấn tượng của họ khi đến với Hội hoa sở đó là vẻ đẹp mộc mạc, tinh khiết của hoa sở - một trong các loài thực vật đặc trưng của Bình Liêu giữa không gian trong lành, ấn tượng với con người Bình Liêu thật thà, dễ mến, với các đặc sản của đồng bào các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao như miến dong, cải ngồng, ngan đen, khoai sọ, rượu khoai hà... Bên cạnh đó, du khách còn trải nghiệm, xúc cảm dâng trào khi tới thăm các cột mốc biên giới thiêng liêng, những con đường tuần tra biên giới giữa bạt ngàn hoa lau hùng vĩ mà thơ mộng.
Theo đánh giá của những du khách đã hơn một lần đến Bình Liêu, diện mạo huyện biên giới đang ngày một đổi thay, chuyển biến tích cực, từ điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang đến cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng chính những cái mới ấy đã tác động đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao... Rõ nhất là về nhà ở truyền thống, như dọc con đường từ thị trấn Bình Liêu, qua Tình Húc vào Húc Động - xã được coi vùng xa của Bình Liêu, những ngôi nhà tường đất, mái ngói âm dương ngày một ít đi, thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng hiện đại như ở phố từ 1 đến 3 tầng sơn xanh, trắng. Ông N.H, ở xã Tình Húc có ngôi nhà truyền thống của người Tày tường trình đất, mái ngói âm dương xây từ năm 1987 được coi là một trong số ít ngôi nhà truyền thống có tuổi đời nhất của xã. Ngay bên cạnh, anh con trai lựa chọn xây dựng 1 ngôi nhà mái bằng 2 tầng hiện đại và như thế ngôi nhà truyền thống kia sớm muộn sẽ được hoá giải. Từ nhà ở, cái mới được thanh niên các dân tộc thiểu số tiếp nhận sang ăn mặc. Trong lễ hội hoa sở, gần như rất hiếm các nam nữ thanh niên mặc trang phục truyền thống, có chăng chỉ là loáng thoáng các bà, các chị.
Trong những năm qua, nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số - cũng là giữ gìn các giá trị văn hoá đặc trưng của địa phương, huyện Bình Liêu đã ra đời các câu lạc bộ hát then, đàn tính, hát Soóng Cọ; các huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ tổ chức các lớp hát dân ca, thêu đan... truyền dạy cho lớp trẻ nhận thức giá trị để bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc mình. Tuy nhiên, kết quả đó còn rất nhỏ bé so với thực tế. Mô hình du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều) đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước chỉ bởi đến đây, họ được tham gia cày bừa, cuốc đất, trồng rau, giã gạo, gặt lúa, xuống ao úp cá... - những thứ hết sức dân dã, đời thường của làng quê xưa. Điều đó cho thấy những giá trị văn hoá truyền thống có sức sống như thế nào. Với không chỉ Bình Liêu mà cả các huyện miền núi trong tỉnh, muốn phát triển du lịch, yếu tố quan trọng nhất là hãy bảo tồn, gìn giữ cho được các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trần Minh
Ý kiến ()