Hiệu lực của pháp luật
Theo quy định của UBND tỉnh, từ 1-1-2008, nghiêm cấm các xe vận chuyển than thuộc các đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chạy trên quốc lộ 18 và một số tuyến khác, thế nhưng thực tế vẫn có nhiều xe chạy cả lén lút và công khai.
Chính phủ và tỉnh đã có nhiều văn bản, quy định cấm khai thác, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn từ nhiều năm qua, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều địa phương; dẹp được nơi này lại bùng ở nơi khác, chặn được lúc này lại tái diễn lúc khác...
Mới đây nhất, cuối năm 2007, UBND tỉnh có thông báo, chỉ đạo không cho phép bất cứ tập thể, cá nhân nào được khai thác cát, sỏi tại xã đảo Cái Chiên (Hải Hà). Thế nhưng thực tế lại ngược lại, hoạt động khai thác không chỉ tái diễn mà mức độ, quy mô còn lớn hơn trước...
Trên đây mới chỉ là một vài ví dụ về tình hình thực thi pháp luật không nghiêm trên địa bàn tỉnh. Hay nói cách khác là hiệu lực của các văn bản pháp luật không được tôn trọng. Trong thực tế cuộc sống hiện nay tình trạng không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, cấp dưới không tuân lệnh cấp trên, vận dụng sai quy định diễn ra khá phổ biến ở không ít cấp, ngành, địa phương. Chính điều này đã khiến cho công tác quản lý gặp khó khăn, phát sinh nhiều đơn thư khiến kiện, trật tự xã hội không được đảm bảo.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân viên còn yếu. Bên cạnh đó còn do lợi ích cục bộ của một vài cá nhân, tập thể. Cùng với đó là sự quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở, buông lỏng quản lý, kiểm tra của người có trách nhiệm và cơ quan chức năng. Cuối cùng là việc xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để của cấp có thẩm quyền...
Tình trạng “nhờn” với pháp luật là điều rất đáng lo ngại. Nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời để đến mức “di căn” thì hậu quả khó mà lường hết được...
Ý kiến ()