Hạt gạo Việt Nam
Giải thích: dân Việt thích gạo ngon trong khi nông dân Việt trồng lúa không ngon cơm (như IR50404); các công ty mua gạo ngon về để tái xuất vì khách hàng có tiền mua thường là khách giàu. Một lý do khác nữa là chúng ta biết hiện nay lúa mùa của Thái Lan bắt đầu gặt lai rai rồi, nhưng họ cũng không tiêu thụ nổi - giá loại gạo chuẩn của Thái (100% loại B) bắt đầu giảm từ 770 USD/tấn (13.100 đ/kg, tháng 8) xuống còn 720 USD/tấn (12.250 đ/kg) tháng 9, và chỉ còn 580 USD/tấn (9.850 đ/kg) hiện nay. Lý do chính là các nước khách hàng mua gạo như Philippines, Indonesia, Malaysia… đều đã tập trung đầu tư lại cho phát triển nông nghiệp ngay sau giai đoạn cao điểm khủng hoảng lương thực. Họ đều tăng cường sản xuất lúa để trở nên tự túc.
Thái Lan khó bán gạo cho Philippines vì, theo một thương gia đã nói với Báo Bangkok Post là, thị trường Philippines đã bão hòa với 600.000 tấn gạo của VN xuất khẩu trong mấy tháng vừa qua. Do đó, Chính phủ Thái Lan phải lo giúp nông dân Thái bằng cách mua giữ lúa khoảng 8 triệu tấn với giá cao hơn thị trường (giá bao cấp) được công bố từ cuối tháng 9.2008. Đợt mua lúa của Chính phủ Thái đã bắt đầu từ 15.10 vừa qua, với giá mà nông dân yêu cầu: lúa Khao Dawk mali 105 (thường được gọi là Hom Mali, hoặc KDM105) giá 7.800 đ/kg; lúa trắng thường 6.800 đ/kg; lúa nếp Thái 5.830 đ/kg. Chỉ nông dân có lúa đúng phẩm chất mới được mua bao cấp, lúa không đúng phẩm chất sẽ không được bao cấp. Trong khi đó vụ lúa mùa của các quốc gia từ Á châu sang Mỹ châu đều rất trúng mùa khiến nhu cầu gạo xuất khẩu trên thế giới phải giảm lại là điều đương nhiên. Chỉ còn Phi châu là thiếu gạo ăn. Nhưng họ không có tiền để nhập khẩu.
Nhưng tại sao lúa Thái và lúa Campuchia sang ta, mặc dù phải đi đường xa, lại giá rẻ thế? Có thể vì nhiều lý do: lượng lúa không đạt chất lượng để bán giá cao bao cấp ở Thái được mang sang VN bán giá rẻ; khối lượng trúng mùa thặng dư nên cũng phải bán rẻ; lúa do người Việt sang Campuchia mượn đất để trồng lúa, nay thu hoạch mang về.
Cũng có người phê phán nông dân VN không biết trồng lúa ngon cơm mà cứ trồng IR50404 mãi, mặc dù lãnh đạo bảo không nên trồng. Phê phán đó chưa nhìn toàn diện của vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa của VN hiện nay. Giống lúa IR50404 được chúng tôi chọn lọc từ tập đoàn giống lúa của IRRI từ năm 1991, là giống rất thích nghi với mọi vùng sinh thái, rất dễ trồng, và năng suất cao nhất hiện nay; chưa có giống lúa nào vượt qua nếu không bị rầy nâu tấn công. Tiếc rằng đây là giống lúa không ngon cơm lắm, và không còn kháng rầy nâu vì rầy nâu hiện nay đã tiến hóa sang biotype mới. Trong khi đó những giống lúa có gạo ngon cơm hơn, như giống Jasmin 825 mà các thương lái đang tìm mua, thì khó trồng hơn, năng suất thấp hơn, cũng không kháng được rầy nâu. Nông dân thích trồng IR50404 hơn Jasmin 825 vì giá thành hạ hơn nhiều, năng suất cao hơn nhiều. Lúc bắt đầu vào mùa vụ, một số lãnh đạo địa phương khuyến cáo nông dân đừng trồng IR50404 nhưng không nói được nên trồng giống gì! Nhưng nếu có nói nên trồng giống xxx gì đó, thì nông dân sẽ hỏi lại ngay “ai mua? mua giá bao nhiêu?”, người đó không trả lời được.
Vậy người nông dân phải tự quyết định cái gì cầm chắc trong tay. Nếu các công ty xuất khẩu lương thực dám xây dựng vùng lúa nguyên liệu của công ty mình và tổ chức cho nông dân trồng giống lúa sẽ cho ra loại gạo chất lượng mà công ty cần để xuất khẩu thì chắc là nông dân không khổ như ngày nay. Rất tiếc, hầu hết các công ty lương thực của VN đều không làm được như thế. Người trồng lúa VN do đó phải tự lo. Họ không thể cạnh tranh được với nông dân Thái hoặc nông dân của các nước có khoa học nông nghiệp tiến bộ.
Vậy chúng ta có cách nào để giải quyết cho lúa ở các vựa lúa lớn được tiêu thụ sớm? Càng để lâu, càng bị thiệt, vì lúa sẽ càng bị hư thêm. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc chủ động đem hàng đến nơi của khách hàng để ta bán sỉ hoặc lẻ. Thái Lan đã và đang đưa gạo nguyên liệu của họ sang lập nhà máy chế biến tại La Camarque (vùng sản xuất lúa duy nhất của nước Pháp): họ lau bóng gạo, đóng gói tại Pháp để xuất đi các siêu thị Âu châu. Các công ty thủy sản của ta cũng đã và đang đưa cá phi-lê sang Âu châu để bán cho khách hàng trực tiếp bên ấy. Sao gạo lại không được tổ chức như thế?
Ý kiến ()