
Hải Hà: Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong bảo vệ ANTT
Huyện Hải Hà, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đã và đang phát huy hiệu quả vai trò “cánh tay nối dài” của chính quyền, góp phần giữ gìn bình yên thôn bản và thúc đẩy phát triển toàn diện.
Huyện Hải Hà hiện có 6 xã miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Dao, Tày, Sán Chỉ. Trong cộng đồng này, già làng, trưởng bản là những người am hiểu phong tục, có uy tín và tiếng nói quan trọng. Chính vì vậy, họ trở thành lực lượng tiên phong trong việc vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời là người hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở một cách hiệu quả.
Tiêu biểu như anh Hà Văn Hoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9, xã Quảng Phong, anh đã vận động bà con hiến hơn 14.000m² đất và hàng nghìn cây lâu năm để làm đường, xây trường học và công trình công cộng. Nhờ sự tận tâm và gương mẫu, thôn 9 đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2019, và hiện nay, thôn 9 trở thành hình mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong công tác bảo đảm ANTT, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, lực lượng công an thường mỏng, cơ sở vật chất còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc phối hợp chặt chẽ với già làng, trưởng bản là giải pháp hiệu quả, bền vững. Họ chính là người giúp lực lượng công an nắm tình hình địa bàn, phát hiện sớm các biểu hiện vi phạm pháp luật hay mâu thuẫn trong dân cư.
Tại xã Quảng Phong, già làng, trưởng bản đã cùng công an xã thường xuyên tuyên truyền Luật Trật tự ATGT đường bộ, vận động bà con không uống rượu bia khi lái xe, không tụ tập gây mất trật tự công cộng. Nhờ đó, tình hình an ninh tại địa phương từng bước ổn định, không xảy ra điểm nóng, không phát sinh tội phạm nghiêm trọng.
Đặc biệt, già làng còn là người tham gia tích cực trong các mô hình “Thôn, bản bình yên”, “Tổ tự quản về ANTT”, góp phần phát huy nội lực của nhân dân trong việc phòng ngừa tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.
Bảo vệ ANTT không thể tách rời việc nâng cao đời sống người dân. Trong vai trò người gương mẫu, già làng, trưởng bản tại Hải Hà còn tiên phong trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Điển hình như ông Phùn Hợp Sềnh, người có uy tín ở xã Quảng Đức, đã đưa mô hình trồng cỏ voi về địa phương. Với sự hướng dẫn tận tình của ông, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt. Khi “cái bụng no, cái đầu sáng”, người dân cũng ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh thôn bản.
Nhờ sự vào cuộc của đội ngũ người uy tín, cuối năm 2020, huyện Hải Hà chỉ còn 132 hộ nghèo, chiếm 0,73%, giảm 1,03% so với năm trước. Đến nay, huyện Hải Hà đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới. Đây là minh chứng cho hiệu quả từ mô hình kết hợp giữa bảo đảm ANTT và phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, những đóng góp của già làng, trưởng bản không chỉ nằm ở việc giữ gìn an ninh, mà còn ở việc xây dựng “thế trận lòng dân” - nền tảng vững chắc để xây dựng địa phương ổn định và phát triển. Họ không chỉ vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, mà còn là người trực tiếp lan tỏa các giá trị văn hóa tích cực, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Việc tôn vinh, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ người có uy tín là điều cần thiết để phát huy hơn nữa vai trò của họ. Chính quyền huyện Hải Hà thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ như tập huấn kiến thức pháp luật, tổ chức gặp mặt, tặng quà động viên… Đây là nguồn động viên để già làng, trưởng bản tiếp tục đồng hành cùng chính quyền cơ sở.

Trong công cuộc bảo vệ ANTT ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản không chỉ là người đại diện văn hóa, lịch sử mà còn là lực lượng giữ gìn bình yên, ổn định cho cộng đồng. Tại huyện Hải Hà, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ này đã góp phần quan trọng giúp địa phương giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Ý kiến ()