
Góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Quảng Ninh thời kỳ mới
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với sức sống bền bỉ, lan tỏa sâu rộng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển toàn diện của Quảng Ninh những năm qua. Từ 5 nội dung của phong trào, các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai, cụ thể hóa thành hàng trăm mô hình, phần việc hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.
Triển khai bài bản
Ngày 23/12/1999, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 235/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", nay là Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Theo đó, ngay trong năm 2000, đồng loạt 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức lễ ra mắt Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thông qua kế hoạch triển khai thực hiện phong trào tại địa phương mình.
Tại Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cấp tỉnh chính thức được thành lập theo Quyết định số 1288/QĐ-UB (ngày 18/5/2000) của UBND tỉnh. Từ đó, việc triển khai thực hiện phong trào được đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Sau 25 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã có 2 lần kiện toàn, tham mưu cho UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh hơn 250 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào gắn với thực tiễn địa phương. Các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo đã chủ động phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 23 hội nghị, 56 lớp tập huấn, truyền thông cộng đồng về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở; cấp phát hơn 90.000 sổ tay, tờ gấp tuyên truyền về công tác gia đình, xây dựng đời sống văn hóa.

Căn cứ định hướng của tỉnh, Ban Chỉ đạo tại các địa phương cũng chủ động triển khai nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể tại cơ sở. Trong đó bao gồm việc xây dựng thành công 261 mô hình tiêu biểu, phát huy vai trò chủ thể, chủ động của nhân dân, gắn với các nội dung huy động sức mạnh toàn dân xây dựng NTM, đô thị văn minh, bảo vệ ANTQ, giữ vững QP-AN...; đồng thời, chủ động và kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, làm thất bại những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Công tác tuyên truyền, vận động đi trước với cách thức triển khai phong phú, đa dạng, rõ trọng điểm, đã góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai trò của văn hóa; về quyền lợi, trách nhiệm cùng chung tay tham gia xây dựng đời sống văn hóa... Hiện nay, 100% thôn, khu phố trong toàn tỉnh đều đã ban hành hương ước, quy ước; có sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, thẩm định và quản lý tốt về quy trình, thủ tục, chất lượng theo quy định. Hằng năm, công tác sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước đều được rà soát, thực hiện, có sự cập nhật để lược bỏ những nội dung lỗi thời, bổ sung những điểm mới phù hợp hơn với điều kiện thực tế của địa phương và quy định hiện hành.

Từ phong trào được triển khai sâu rộng khắp các địa bàn cơ sở, bao trùm nhiều lĩnh vực của văn hóa, đã giúp nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh đề ra về văn hóa được thực hiện thành công. Nhất là các nhiệm vụ tại Nghị quyết 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Những thành tựu to lớn
Thi đua đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng. Mỗi gia đình văn hóa là một tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; có các thế hệ luôn hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập hiệu quả; có tinh thần tương trợ vì cộng đồng; tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Chuyển biến tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình đã tổng hòa vào kết quả to lớn của cả cộng đồng. Tiêu biểu như việc các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan được hạn chế; việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội được tổ chức tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh; phát huy được các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 96,9% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", tăng 18,7% so với năm 2001; có 97,9% thôn, khu phố đạt danh hiệu "Thôn, khu phố văn hóa", tăng 42,4% so với năm 2001.
Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại. Theo thống kê, hết năm 2024, 100% đơn vị cấp xã trong tỉnh đã xây dựng được trung tâm thể thao, hoặc sân tập thể thao đơn giản; 100% thôn, khu có nhà văn hóa và cả sân tập luyện thể thao (cầu lồng, bóng chuyền hơi, pickleball), hoặc lắp đặt các bộ thiết bị dụng cụ đơn giản, như xà đơn, xà kép... Nhờ đó đã góp phần rút ngắn khoảng cách về tham gia và thụ hưởng văn hóa của người dân các vùng miền trong tỉnh, nâng số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên toàn tỉnh hiện nay đạt 42,5% dân số. Đặc biệt là góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh cũng đã có một số công trình thiết chế văn hóa thể thao trọng điểm, mang tầm cỡ quốc gia, là nơi diễn ra hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn, góp phần khẳng định vị thế quan trọng của Quảng Ninh trong đời sống văn hóa của đất nước và khu vực. Cùng với đó, niềm tự hào truyền thống văn hóa, lịch sử được nhân lên là điều kiện để Quảng Ninh bảo tồn, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa, mang đậm bản sắc.
Hiện nay toàn tỉnh đã có 641 di tích, gồm 8 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 57 di tích cấp quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh, hơn 400 di tích kiểm kê; có 362 di sản văn hóa phi vật thể, với 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Quảng Ninh trở thành một trong những địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh thiên nhiên, văn hóa và con người Quảng Ninh ra thế giới.
Thực tiễn 25 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại Quảng Ninh, đã cho thấy sự đúng đắn và cần thiết đối với yêu cầu phát triển của tỉnh và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Bước vào giai đoạn phát triển mới, các nội dung thi đua càng phải được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục, với sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có tổng cộng 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn; Lễ hội Bạch Đằng; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu; Lễ hội đình Đầm Hà; Lễ hội đình Vạn Ninh; Lễ hội Xuống đồng; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; Lễ mừng cơm mới của người Tày; Tục kiêng gió của người Dao; Nghệ thuật may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ; Nghệ thuật may và trang trí trên trang phục của người Dao Thanh Phán; Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chỉ; nghệ thuật trình diễn dân gian hát đối vùng biển Quảng Ninh.
Tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh hiện đang trưng bày và giới thiệu khá đầy đủ, phong phú các hiện vật liên quan đến 19 di sản văn hóa này, quảng bá rộng rãi với công chúng, nhân dân, du khách.
|
Ý kiến ()