
Gỡ khó trong cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá
Mới đây, Sở NN&MT báo cáo con số thống kê gần 4.000 tàu cá (có chiều dài từ 6m trở lên) đã được cấp phép khai thác thuỷ sản, chiếm 92,7% số tàu cá trong diện phải cấp phép khai thác thuỷ sản. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn từ phía đơn vị chủ quản là Sở NN&MT cũng như chính quyền cấp huyện, cấp xã có biển, có chủ tàu cá thường trú trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh hiện có 6.217 tàu cá, bao gồm 1.898 tàu cá có chiều dài dưới 6m, do UBND cấp xã quản lý; 3.570 tàu cá dài 6-12m thuộc UBND cấp huyện quản lý và 749 tàu cá chiều dài 12m trở lên thuộc UBND cấp tỉnh quản lý (tàu cá chiều dài từ 6m trở lên thuộc diện phải cấp giấy phép khai thác thủy sản).

Trước đó, trên vùng biển Quảng Ninh tồn tại tình trạng tàu cá đang hoạt động trên vùng biển nhưng chưa đảm bảo các điều kiện đề ra, trong đó có việc chưa cấp phép khai thác thuỷ sản. Tháng 7/2024, UBND tỉnh đã công bố danh sách tàu cá có chiều dài 6m trở lên đang hoạt động chưa đăng ký chính thức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đồng nghĩa việc chưa cấp phép khai thác thuỷ sản, theo đó con số này là 1.498 tàu cá.
Để cấp phép khai thác thuỷ sản, các tàu cá cần đảm bảo các điều kiện: Trong hạn ngạch, không thuộc danh mục nghề cấm, có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, trang thiết bị thông tin liên lạc đảm bảo quy đinh, có thiết bị giám sát hành trình, có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, có văn bằng, chứng chỉ của thuyền trưởng và máy trưởng.
Cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá là thực hiện theo quy định của Luật Thuỷ sản. Đây cũng là giải pháp để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, kiểm soát sản lượng khai thác, tránh tình trạng khai thác quá mức gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; ngăn ngừa tình trạng khai thác bất hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển, góp phần quan trọng trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Tỉnh Quảng Ninh đã giao hạn ngạch 4.219 giấy phép khai thác thuỷ sản cho các tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng của tỉnh. Trong đó, hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá hoạt động vùng ven bờ là 3.577 giấy phép; hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá hoạt động vùng lộng là 642 giấy phép. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo sở chủ quản và các địa phương có biển, có chủ tàu cá thường trú vào cuộc thực hiện đợt cao điểm cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá từ tháng 8 đến hết tháng 12/2024. UBND tỉnh Quảng Ninh quy định từ ngày 5/1/2025 các tàu cá chưa có giấy phép khai thác thuỷ sản sẽ bị thống kê vào danh sách tàu cá hoạt động trái phép của Quảng Ninh.
Bước sang năm 2025, xét một số điều kiện khách quan đặc thù, trong quý I vừa qua, UBND tỉnh cùng các đơn vị chuyên môn, các địa phương rà soát lần cuối và tổ chức cấp phéo khai thác thuỷ sản cho những tàu cá đủ điều kiện. Giải trình lý do tiếp tục cấp phép thuỷ sản từ đầu năm đến nay, Phòng Kinh tế hạ tầng TP Hạ Long có báo cáo cho rằng, nhóm tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hầu hết không có hóa đơn giá trị gia tăng khi đóng tàu hay cải hoán tàu, nên không thể cấp phí trước bạ, một trong những thủ tục bắt buộc để cấp giấy phép khai thác hải sản theo quy định của Bộ NN&MT. Nhiều chủ tàu tự đóng mới mà không xin chấp thuận, mua bán nhưng không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định pháp luật dẫn đến tình trạng tàu không có hồ sơ gốc; tàu không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định (vỏ tàu, máy tàu, nghề khai thác…) vì thế cũng khó để cấp phép thuỷ sản. Ngoài ra còn tình trạng chủ tàu liên hệ để làm hồ sơ đăng ký tàu cá, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế không có tên của các chủ tàu thường trú trên địa bàn do vậy không có cơ sở để hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký tàu cá theo quy định.
Ông Hà Văn Ninh, cán bộ Phòng NN&MT huyện Vân Đồn cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cần tiếp tục cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá là do những đối tượng trực tiếp tham gia nghề khai thác thuỷ sản tiếp cận với chính sách pháp luật nói chung, trong lĩnh vực thuỷ sản chưa được đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc chấp hành một số quy định chưa được nghiêm. Bên cạnh đó tỉnh Quảng Ninh có tình trạng hết hạn ngạch cấp phép khai thác thuỷ sản, cần điều chỉnh phân bổ hạn ngạch phù hợp thực tế.

Trong quý I vừa qua, các đơn vị chức năng đã vào cuộc một cách tích cực và quyết liệt nhất, quyết tâm cấp phép khai thác thuỷ sản cho tất cả các tàu cá đủ điều kiện. Vân Đồn là địa phương có nhiều tàu cá 6-12m cần cấp phép thuỷ sản lớn nhất tỉnh. Huyện đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thẩm định, cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá. Huyện thành lập Tổ công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đăng ký đối với tàu cá, trong đó trọng tâm là thủ tục đăng ký cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá, làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ để các chủ tàu thực hiện hồ sơ cấp phép khai thác thuỷ sản. Huyện cũng giao Phòng NN&MT chủ trì, phối hợp với đơn vị thuế và các xã, thị trấn triển khai cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá… Tính đến hết tháng 2/2025, huyện Vân Đồn đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá, với 878 tàu.
Đến thời điểm hiện nay, Quảng Ninh đã cấp phép khai thác thuỷ sản cho đội tàu cá trên địa bàn đạt kết quả cao, với 92,7% số tàu cá trong diện phải cấp phép khai thác thuỷ sản, tương đương gần 4.000 tàu cá.
Ý kiến ()