Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Chiều 20/12, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban công tác tuần để nghe và cho ý kiến về một số nội dung công việc quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 (mũi tăng cường) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2021-2022.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm chủng vắc xin diện rộng cho toàn dân trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cao nhất cả nước. Quảng Ninh đã triển khai tiêm chủng vắc xin cho trên 1,1 triệu người, đảm bảo theo đúng tiến độ và đạt được mục tiêu có miễn dịch cộng đồng với trên 96,6% người được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh; nâng cao hiệu quả vắc xin, tăng cường miễn dịch, sống chung an toàn với dịch, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho toàn dân trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai tiêm chủng diễn ra trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh có nhiều ca bệnh phát sinh trong cộng đồng, nhiều nguy cơ hơn so với các đợt tiêm mũi 1, mũi 2. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong toàn tỉnh. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 sẽ được triển khai cho khoảng trên 950.000 người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi.
Thống nhất các ý kiến của thành viên Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tinh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Với mục tiêu "Bảo vệ sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết”, Quảng Ninh tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm chủng diện rộng vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 (mũi tăng cường) cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2021-2022, căn cứ theo các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Công điện 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Chiến dịch tiêm chủng diện rộng vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhanh gọn, trên tinh thần phát huy kinh nghiệm của các chiến dịch tiêm chủng đã thực hiện, triển khai 3 đợt: Đợt 1 (từ ngày 20/12 - 15/1); đợt 2 (từ ngày 15/1-25/1) và đợt tiêm vét sẽ triển khai sau ngày 25/1. Hình thức tiêm “cuốn chiếu”, “tiêm đến đâu an toàn đến đó” để tiết kiệm nguồn nhân lực và tổ chức tiêm gọn theo từng địa phương. Ưu tiên tiêm trước cho những trường hợp 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và cho những đối tượng có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ. Tập trung ưu tiên tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân tại các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho lực lượng lao động ngành Than.
Công tác tiêm chủng phải huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Sự tin tưởng, đồng lòng của nhân dân, sức mạnh của nhân dân và ý thức trách nhiệm của công dân là cội nguồn của thắng lợi. Sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã là yếu tố quyết định thành công chiến dịch tiêm chủng bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, an toàn. Huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế, lực lượng Công an, Quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội… hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Sở Y tế là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm toàn diện, tổng thể việc triển khai tiêm vắc xin mũi 3 đảm bảo yêu cầu tiến độ, đúng đối tượng, quy trình theo quy định. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tốc độ tiêm và để đạt được hiệu quả tiêm sẽ rất khó khăn, đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên nêu gương đi đầu tham gia tiêm chủng.
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo khối lượng, tiến độ thực hiện công việc trong tuần đối với các dự án, công trình trọng điểm nguồn vốn ngân sách tỉnh, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2021; tiến độ thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; kế hoạch tổ chức lễ khánh thành 3 dự án gồm: Cầu Cửa Lục 1, đường Bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1; Trường THPT Hòn Gai.
Đến nay, tổng kế hoạch chi đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh là trên 17.148 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 19/12 đạt 78,3% kế hoạch năm. Tại hội nghị, lãnh đạo các Ban quản lý dự án, lãnh đạo các địa phương báo cáo làm rõ kết quả giải ngân vốn đầu tư công do đơn vị mình quản lý, đồng thời đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo mục tiêu đến ngày 31/12/2021 tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 95%.
Đối với lễ khánh thành 3 dự án gồm: Cầu Cửa Lục 1, Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1, Trường THPT Hòn Gai dự kiến được tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 1/1/2022. Hiện nay, các công trình này đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư và nhà thầu gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của dự án, đảm bảo tiến độ và kế hoạch khánh thành vào ngày 1/1/2022.
Đối với nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu các Ban dự án của tỉnh và các địa phương tiếp tục dồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là đối với các dự án, công trình phải hoàn thành trong năm 2021, quyết tâm đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến ngày 31/12/2021 đạt 95%. Cùng với đó phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của các công trình.
Đối với kế hoạch tổ chức lễ khánh thành 3 công trình: Cầu Cửa Lục 1, Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1, Trường THPT Hòn Gai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng công tác tuyên truyền, vệ sinh, cảnh quan, hậu cần, phòng chống dịch. Đảm bảo lễ khánh thành diễn ra trang trọng, ý nghĩa, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Quảng Ninh trong thực hiện "mục tiêu kép", thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Thường trực Tỉnh ủy cũng cho ý kiến về kế hoạch bắn pháo hoa đêm Tết Dương lịch (31/12) tại Cầu Cửa Lục 1.
Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến đối với Đề án phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Đề án được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tích hợp một số nội dung về đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, định hướng về phát triển theo ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Đồng thời bám sát các mục tiêu, định hướng chung Trung ương, của tỉnh. Mục tiêu, giải pháp của Đề án hướng tới trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, tăng xuất khẩu gắn với sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa để mở rộng quy mô và chuyên môn hóa sản xuất. Đồng thời xây dựng, phát triển sản phẩm thương hiệu của tỉnh, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả, liên kết với doanh nghiệp.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị: Các đơn vị xây dựng đề án nghiên cứu bổ sung hoàn thiện tên gọi đề án phù hợp với các quy hoạch chiến lược của Trung ương, của tỉnh. Đề án phải chỉ rõ quan điểm phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của vùng, tiểu vùng. Tăng cường các hình thức liên kết hợp tác giữa các thành phần kinh tế với HTX nhằm phát huy hiệu quả về kinh tế. Phát triển theo chiều sâu gắn với các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nhất là sản phẩm OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất hiệu quả, sức cạnh tranh.
Đề án phải chỉ rõ các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Trong đó, tập trung giải pháp nâng cao nhận thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị, chính quyền các cấp về kinh tế tập thể. Tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã theo tinh thần gắn với các chương trình về xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, chương trình OCOP; đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()