Phấn đấu hết quý I/2022 sẽ tiêm đủ mũi vắc xin tăng cường thứ 3 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tuần qua và triển khai các giải pháp trong tuần tới.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh có 180 ca mắc mới, tăng 32 ca so với tuần trước đó, lũy kế từ ngày 18/10 đến 5/12 là 849 ca. Trong đó, tại TP Hạ Long có 79 ca; TP Uông Bí có 8 ca; TP Cẩm Phả có 13 ca; TX Đông Triều có 22 ca; TX Quảng Yên có 1 ca; Vân Đồn có 1 ca; Tiên Yên 3 ca; Ba Chẽ 5 ca; Bình Liêu có 1 ca; Đầm Hà có 7 ca; Hải Hà có 12 ca; Móng Cái có 28 ca; Cô Tô chưa ghi nhận ca mắc.
Hiện số ca nhiễm đã điều trị tại các cơ sở y tế và cơ sở lưu trú là 829 người, đến nay có 567 người khỏi bệnh đã về nơi ở, số còn lại đang quản lý chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế và cơ sở lưu trú.
Thống nhất với các ý kiến tham gia tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã bám sát Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Chỉ thị số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nâng cao tính chủ động trong triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh theo đúng phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Cùng với đó, ý thức của nhân dân đối với việc chủ động phòng, chống dịch cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là tuân thủ nghiêm quy định 5K, quét mã QR… Đặc biệt, là nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin của Quảng Ninh rất cao và sớm đưa thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị Covid-19 vào điều trị cho những bệnh nhân có chỉ định, cộng với hệ thống y tế từ tỉnh tới cơ sở ngày càng được củng cố, nên số F0 không triệu chứng và khỏi bệnh, về với cộng đồng rất cao.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ngành Y tế xây dựng ngay kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho những người đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong quý I/2022. Ngoài các đối tượng có biểu hiệu ho, sốt, khó thở…, các địa phương cần nâng tần suất xét nghiệm tầm soát chủ động đối với các đối tượng được bảo vệ trọng điểm là trẻ em, nhất là học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin và người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, không thể tiêm vắc xin.
Chủ tịch UBND các địa phương phải tăng cường trách nhiệm của mình trong việc củng cố năng lực hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là chủ động chuẩn bị số lượng test xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm sàng lọc tầm soát trên diện rộng tại địa bàn khi có tình huống nảy sinh. Đồng chí lưu ý, không để cho bất kỳ F0 nào không được tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 và không được y tế chăm sóc, theo dõi kịp thời.
Ngành y tế phải có phương án phân bổ, quản lý, sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị F0 một cách minh bạch, rõ địa chỉ, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế, ngành giáo dục, y tế và Chủ tịch UBND các địa phương xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình xử trí, cách ly các trường hợp học sinh được phát hiện là F0 tại các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp với từng đối tượng, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân, người lao động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chủ động hơn nữa trong việc nâng cao ý thức và năng lực tự ứng phó, bảo vệ bản thân, gia đình, cơ quan, đơn vị và cộng đồng trước với dịch bệnh.
Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát, đánh giá hiệu quả cũng như bất cập trong triển khai mô hình khai báo y tế tự động không dừng tại chốt kiểm soát thông tin ra vào tỉnh, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đi lại của nhân dân.
Cho ý kiến về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đến ngày 5/12/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 70,8%, tăng 2,6% so với thời điểm ngày 28/11/2021. Trong đó, nguồn vốn Trung ương giải ngân đạt trên 70%; nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 71,8%; nguồn vốn ngân sách cấp huyện giải ngân đạt 69,5%. Hiện có 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 75%, đó là: Móng Cái giải ngân đạt 39,3%; Vân Đồn giải ngân đạt 53,7%; Cẩm Phả giải ngân đạt 54,9%; Đông Triều giải ngân đạt 62,5%; Hải Hà giải ngân đạt 63,9%; Tiên Yên giải ngân đạt 70,8%.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định, công tác giải ngân vốn đầu tư công là kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ gắn với vai trò của người đứng đầu. Từ nay đến 31/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh sẽ phải đạt trên 95% theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đồng chí yêu cầu các chủ đầu tư cấp tỉnh và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đến thời điểm này lập kế hoạch chi tiết giải ngân từng ngày, báo cáo về tỉnh theo dõi từng ngày. Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát năng lực, ý thức trách nhiệm của các nhà thầu. Đối với những nhà thầu vi phạm hợp đồng về tiến độ, khối lượng chậm thì từ năm 2022 không được tham gia bất kỳ một dự án nào về đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là ý chí của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với nội dung chỉ đạo này.
Các chủ đầu tư cũng phải nghiêm túc xem xét lại năng lực các đơn vị tư vấn, thiết kế và năng lực nhà thầu thi công các dự án. Nếu xét thấy không có năng lực, các chủ đầu tư cho thay nhà thầu khác có năng lực để làm. Đặc biệt, sau ngày 31/12/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 không đạt theo chỉ đạo của tỉnh thì tập thể, cá nhân người đứng đầu chủ đầu tư, các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp chịu trách nhiệm kiểm điểm, giải trình trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cũng tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến về phương án giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập 5 năm, giai đoạn 2022-2026; kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay.
Ý kiến ()