Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Ngày 1/11, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tình hình triển khai Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Trong tuần, số ca mắc mới Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đang có xu hướng tăng cao, nhiều tỉnh đã hình thành ổ dịch, chùm ca bệnh. Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 4.387 ca mắc mới (so với tuần trước tăng trung bình khoảng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày). Tình hình dịch bệnh tại các tỉnh tiếp giáp với Quảng Ninh cũng diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca mắc mới, như Hải Dương có 6 ca, Bắc Giang 40 ca, Lạng Sơn 4 ca mắc mới, Hải Phòng 6 ca; Hà Nội 200 ca...
Tại Quảng Ninh, trong tuần phát hiện 14 ca dương tính, trong đó có 5 ca nhập cảnh; 9 ca nhiễm nội địa, chủ yếu là các ca lây nhiễm thứ phát tại cơ sở cách ly tập trung.
Để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong tuần, tỉnh đã bám sát tình hình diễn biến của địa phương và các địa bàn có liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay công tác xét nghiệm sàng lọc tầm soát kịp thời; không để từ một ca mắc trong địa bàn trở thành ổ dịch; tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh; kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của người dân, giao thương hàng hóa, vừa kiểm soát được người từ các địa bàn/ khu vực có dịch cấp 3, cấp 4 đến địa bàn tỉnh để áp dụng các biện pháp y tế theo quy định, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc đánh giá an toàn phòng, chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ đủ 12-17 tuổi và dự kiến đến ngày 6/11 sẽ hoàn thành…
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Sau 3 tuần thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các địa phương trong tỉnh đã triển khai chủ động, bài bản, sáng tạo với nhiều mô hình mới được thành lập, bước đầu mang lại hiệu quả và cần được nhân rộng, nhất là mô hình tổ liên gia tự quản, cộng đồng tự quản đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động đi đầu trong triển khai tiêm cho học sinh từ 12-17 tuổi từ việc xây dựng kế hoạch, tìm nguồn vắc xin; triển khai sớm và quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể đưa trí tuệ nhân tạo AI vào kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, chưa quan tâm đúng mức đến các cơ chế kiểm soát dịch bệnh, nhất là xét nghiệm sàng lọc, tầm soát diện rộng các đối tượng nguy cơ. Việc nhập dữ liệu tiêm chủng còn chậm, chưa đạt tiến độ yêu cầu...
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải quán triệt nghiệm và sử dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp đã nêu cụ thể trong Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến cơ chế là phải khai báo y tế, quét mã QR code, khai báo di chuyển nội địa. Phải yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, phương tiện vận chuyển hành khách đều phải có mã QR code. Lập danh sách các điểm khai báo y tế trên tất cả các loại hình đường thủy, đường bộ, đường hàng không để sớm đồng bộ sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Công an tỉnh quyết tâm đi trước làm trước đồng bộ dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu dân cư đến tận cấp xã.
Đối với cơ chế xét nghiệm sàng lọc tầm soát ngẫu nhiên, hàng tuần phải có ít nhất từ 3-5% học sinh được xét nghiệm bởi đây là đối tượng cần phải được bảo vệ trọng điểm, nhất là khi chưa được tiêm vắc xin. Việc lựa chọn mẫu xét nghiệm phải đảm bảo đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đại diện và chính xác nhất.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế cách ly người đi từ về vùng dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh; cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công an, giao thông vận tải, y tế, chính quyền địa phương cấp xã trong quản lý di biến động dân cư trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nhà chung cư, nhà trọ, những khu vực có đông lao động phi chính thức.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế và các kịch bản, phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và phải có tập dượt với sự tham gia của người dân. 100% xã, phường, thị trấn phải xây dựng kế hoạch, phương án điều trị F0 tại nhà, cách ly F1 tại nhà. Cùng với đó, sớm hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong và ngoài trường học. Quá trình tiêm phải hoàn chỉnh dữ liệu tiêm chủng.
Trước ngày 18/11, Ủy ban MTTQ tỉnh, các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng hoàn thiện quy ước, hương ước của từng thôn, bản, khu phố theo hướng bổ sung, tích hợp các phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình tổ liên gia tự quản, mô hình cộng đồng tự quản và vận động nhân dân cài đặt, sử dụng thường xuyên, hiệu quả ứng dụng PC Covid.
Người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là ngành Than và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch phải thực hiện nghiêm việc quản lý toàn diện về an toàn dịch bệnh trong đơn vị, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý bảo đảm nguyên tắc “an toàn để sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”.
Dự báo tình hình dịch bệnh có thể nảy sinh những diễn biến phức tạp, vì vậy, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, nhất là khi phát hiện ra ca F0 phải tìm mọi cách báo cáo ngay với các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để có chỉ đạo kịp thời. Các lực lượng chức năng phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ đảm bảo mục tiêu vừa “thần tốc” truy vết, “thần tốc” lấy mẫu, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự, duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội. Quảng Ninh quyết tâm không để bị động, bất ngờ về ca bệnh, dẫn tới ổ dịch và đợt dịch, giữ môi trường an toàn và tập trung đẩy mạnh nhịp độ sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh hoàn thành “mục tiêu kép” năm 2021, giữ vững đà tăng trưởng của tỉnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030.
Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, tỉnh đã có Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới; Đề án 196 về đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 mang lại nhiều thành công, làm thay đổi cơ bản diện mạo, đời sống của bà con dân tộc miền múi, hải đảo. Đó là những kinh nghiệm quý để các địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh.
Để mang cuộc sống vào Nghị quyết và Nghị quyết thực sự đi vào thực tiễn, cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan phải tích cực vào cuộc, trăn trở tìm cách triển khai thật hiệu quả để dân biết, dân hiểu, cùng chung tay. Việc lớn nhất hiện nay của các địa phương phải xác định danh mục, nhu cầu để chỉ ra những công trình động lực thiết yếu ở cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với khả năng cân đối năm 2022 và cả giai đoạn 2022-2025 để tỉnh cho chủ trương đầu tư. Cùng với đó, tập trung phát triển sản xuất bằng những hạ tầng, mô hình sản xuất đã và đang có để thúc đẩy phát triên kinh tế, tạo thu nhập, nâng cao thu nhập; đẩy mạnh sản phẩm chủ lực, cây con chủ lực, tổ chức lại sản xuất.
Đối với cơ sở giáo dục phải quan tâm củng cố cơ sở vật chất theo phân cấp đầu tư, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo, trong đó, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên là người địa phương. Trong năm 2022, giao Cục Thống kê tỉnh tiến hành cuộc điều tra mức sống, dân cư ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 06 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và duy trì cơ chế một quý báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy một lần. Ngoài ra, phải tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao vai trò, nhận thức về vai trò, chủ thể của người dân trong thực hiện Nghị quyết này.
Ý kiến ()