Giảm nghèo bền vững
Theo đó, cách làm đã có thay đổi và mang tính đột phá so với trước. Đó là quy trình đầu tư sẽ làm từ dưới lên trên (lâu nay là từ trên xuống) và sẽ phân bổ vốn theo nhu cầu thực tế chứ không bình quân theo kiểu rải mành mành như đã làm. Cụ thể hơn là ngoài việc vẫn hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hiện vật như đã làm thì sẽ thực thi các biện pháp hỗ trợ mang tính lâu dài, bền vững như đầu tư điều kiện sản xuất, đào tạo nhân lực, tăng cường cán bộ - tức là cho cái “cần câu” để người dân, chính quyền cơ sở tự “câu cá” lâu dài. Chính quyền xã sẽ được chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình, dự án, người dân được tham gia ý kiến, còn các ngành chức năng chỉ có trách nhiệm thẩm định. Có thể nói với cách làm mới này Nhà nước đã cho dân, cho chính quyền cơ sở quyền tự lựa chọn cần cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì, nuôi và trồng ở đâu, như thế nào cho phù hợp thực tế, đảm bảo lâu bền mà không còn áp đặt, cầm tay chỉ việc như trước nữa.
Mặc dù Quảng Ninh không có huyện nào thuộc danh sách 61 huyện nghèo nhất nước (có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%), nhưng những chủ trương, giải pháp, cách làm mới này cũng rất thiết thực và cần thiết đối với các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà v.v.. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong hai năm rưỡi thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nên đã hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 10,62% xuống còn 5,18% - hoàn thành xuất sắc mục tiêu chương trình đã đề ra là phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn 5%. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao, việc đầu tư các mô hình phát triển kinh tế cho hộ nghèo hiệu quả chưa cao. Bởi vậy để tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong những năm tới thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Cụ thể là phải tăng cường năng lực, khả năng tự sản xuất, tự thoát nghèo cho người dân. Đặc biệt cần áp dụng và vận dụng sáng tạo cách thức giảm nghèo sẽ được Chính phủ thực hiện đối với các huyện nghèo nhất nước trong thời gian tới vào điều kiện cụ thể của các địa phương trong tỉnh. Làm tốt điều này chúng ta sẽ thực hiện được việc giảm nghèo một cách bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Ý kiến ()