Giảm giá nhỏ giọt
Dầu thô từ mức đỉnh là 147 USD/thùng giảm xuống còn trên dưới 60 USD/thùng; giá phôi thép từ trên 1.000 USD xuống 500 và hiện chỉ còn 200-230 USD/tấn. Tương tự, giá phân bón cũng giảm xấp xỉ 300 USD/tấn so với mức khoảng 800 USD/tấn trước đây.
Tuy nhiên, đó là mặt bằng chung của tình hình thị trường thế giới. Còn ở trong nước, theo một thống kê của Vụ kinh tế Công nghiệp - Bộ KH - ĐT cho thấy nhiều loại nguyên, nhiên liệu không có mức giảm tương ứng. Giá thép xây dựng, giá xăng bán lẻ tuy có giảm nhưng so với giá thế giới vẫn cao hơn tới 2-3 lần. Đặc biệt là xăng dầu - mặt hàng mang tính chiến lược, tác động mạnh đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất - thì giảm một cách nhỏ giọt, lần nhiều nhất là 1000 đ/lít còn lại là 500đ/lít và thật khó hiểu có đợt ngày hôm trước giảm 500đ, ngày hôm sau lại giảm tiếp 500 đ/lít.
Theo quy luật thị trường, khi giá trên thế giới tăng, người tiêu dùng trong nước chấp nhận mua hàng với giá cao. Đó là thể hiện sự chia sẻ với khó khăn của nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng khi giá thế giới giảm mạnh thì các doanh nghiệp và cơ quan quản lý lại chần chừ, chậm chạp và giảm giá một cách nhỏ giọt. Tuy chưa có con số thống kê, nhưng nếu tính toán chi ly chỉ cần một ngày chậm giảm giá thì số tiền chênh lệch rơi vào túi các doanh nghiệp sẽ là con số khổng lồ. Lúc khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp kêu gọi người tiêu dùng chia sẻ, vậy mà lúc thuận lợi lại bàng quan với quyền lợi của họ. Sao lại có sự bất bình đẳng như vậy?
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh, mọi vấn đề phải được công khai, minh bạch. Và chỉ khi giá cả thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó mới có sức thuyết phục và tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng...
Ý kiến ()